Không mâu thuẫn vẫn cầm dao hỗn chiến

22/09/2023, 07:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không liên quan gì, cũng chẳng hề quen biết nhau nhưng những thanh, thiếu niên ở ngoại thành Hà Nội sẵn sàng vác tuýp sắt gắn dao bầu dài 2m, đao kiếm, vỏ chai thủy tinh gây ra những vụ hỗn chiến tập thể hàng chục người.

Náo loạn vùng quê

Xuất phát từ việc nhiều lần đi chơi tại khu vực đập Quán Trăn ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, bị nhóm thanh niên lạ mặt đuổi đánh nên Phạm Văn N (SN 2006) ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã lập nhóm chat mang tên “Tự lực gánh sinh” trên Facebook mục đích quy tập nhóm bạn hẹn đi đánh nhau.

Trong thời gian ngắn, đã có khoảng 15 thanh, thiếu niên độ tuổi “10X” trú tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì tham gia. Cả nhóm thống nhất góp mỗi người 30.000 đồng để mua tuýp sắt, dao làm hung khí để đi đánh nhau.

Không mâu thuẫn vẫn cầm dao hỗn chiến - 1

Dù không hề có mâu thuẫn, nhưng các thanh, thiếu niên sẵn sàng hỗn chiến hàng chục người tham gia

Các thanh niên này đi mua dao bầu, tuýp sắt, dao quắm… rồi về nhà tự hàn nối thành “phóng lợn”. Khoảng 18h ngày 6-7-2023, N nhắn tin lên nhóm rủ mọi người mang theo hung khí đi đến đập Quán Trăn để đánh nhau.

Sau đó, các đối tượng đã rủ thêm hơn 10 nam thanh niên khác đến điểm hẹn để chuẩn bị “hỗn chiến” khi gặp bất cứ nhóm thanh niên lạ mặt nào. Nhóm N điều khiển 7 xe máy, mang theo rất nhiều hung khí nguy hiểm đi đến khu vực Hòa Lạc, Hạ Bằng,… thuộc huyện Thạch Thất.

Cả nhóm đi xe máy thành đoàn cầm tuýp sắt gắn dao quắm, khi giơ lên cao, lúc quệt xuống đường bắn ra tia lửa để thị uy trên đường, khiến người dân sinh sống ven đường sợ hãi. Đi mãi đến khu vực cầu Đỏ mới gặp một nhóm thanh niên lạ mặt, các thanh, thiếu niên này tay cầm hung khí, miệng liên tục chửi bới, khiêu khích và lao vào đánh nhóm thanh niên đang đứng ở cầu Đỏ. Lúc này, tổ tuần tra thuộc Công an huyện Thạch Thất tuần tra đến phát hiện đã khẩn trương trấn áp.

Mới đây, trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng đã xảy ra một vụ việc tương tự. Đêm 29-8, Công an xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nôi tiếp nhận thông tin về việc khoảng 22h30 cùng ngày, anh Trần Quang H, trú tại cụm 2, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng và anh Lê Hoàng V. A, trú tại cụm 4, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đang ngồi chơi tại ngã tư cầu Hạ Mỗ thuộc địa bàn, xã Hạ Mỗ thì có khoảng 15 thanh niên (chưa rõ nhân thân) đi trên 7 xe máy dùng tuýp sắt gắn dao nhọn chém anh H bị thương ở lưng, anh V.A bị thương ở tay, chân.

Sau đó, nhóm thanh niên tiếp tục chém nhiều nhát vào xe máy của anh H và V.A rồi bỏ đi. Anh H được sơ cứu tại trạm Y tế xã Hạ Mỗ, còn anh V.A cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Không mâu thuẫn vẫn cầm dao hỗn chiến - 2

Cần có chế tài nặng hơn trong xử lý với các đối tượng thanh, thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng

Quá trình điều tra ban đầu, xác định tối 28-8, tại cụm 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, 4 đối tượng trong nhóm thanh thanh, thiếu niên trên bị nhóm thanh niên chưa rõ nhân thân chặn xe mô tô và đánh dù giữa 2 nhóm không hề có mâu thuẫn. Trong vụ việc này không ai bị thương tích.

Tuy nhiên vì cay cú, tối 29-8, 4 đối tượng bị đánh ngày hôm trước đã tập hợp 12 đối tượng khác di chuyển trên 6 xe mô tô, mang theo 1 két vỏ chai bia thủy tinh và 2 tuýp sắt gắn dao nhọn đi đến xã Hạ Mỗ để đánh nhau.

Khi nhóm này đến cầu Hạ Mỗ thì gặp anh Trần Quang H và anh Lê Hoàng V.A. Mặc dù không quen biết và không có mâu thuẫn nhưng nhóm này vẫn sử dụng hung khí chém và dùng vỏ chai ném gây thương tích cho anh H, anh V.A.

Hệ lụy từ thiếu sự quản lý

Theo Thượng tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng CAH Đan Phượng, tình trạng thanh thiếu niên hư tụ tập gây rối trật tự công cộng trở nên phổ biến và hành vi của nhóm đối tượng này ngày càng manh động hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần nhiều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Hiện nay, việc tiếp cận, học theo các trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội, Internet của nhóm thanh thiếu niên rất nhanh. Trong khi đó, đã xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây rối, sử dụng hung khí nguy hiểm đánh nhau và phát trực tiếp (livestream) trên mạng để thị uy nhóm đối thủ.

Điều đó có những tác động, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, quá trình hình thành nhân cách của nhóm đối tượng thanh, thiếu niên. Theo thống kê, hầu hết đối tượng là trẻ em phạm tội, trẻ em hư đều xuất thân trong môi trường gia đình không có sự quản lý, giáo dục một cách nghiêm khắc của cha mẹ; thường xuyên có sự tiếp xúc, giao lưu với các trào lưu, bạn bè, hội nhóm xấu, có tư tưởng bất mãn, "nổi loạn” trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo chỉ huy CAH Đan Phượng, trong nhiều vụ việc khi được mời lên cơ quan công an làm việc, có phụ huynh bất ngờ nhưng đa số đều đã biết con em mình thuộc nhóm đối tượng hư hỏng, thường xuyên tụ tập gây rối nhưng không có biện pháp nào quản lý hay giáo dục được, đành phó mặc cho nhà trường và xã hội.

“Cần có một chế tài xử lý nghiêm minh hơn với hành vi của nhóm thanh, thiếu niên tụ tập gây rối. Qua đó mới có thể ngăn chặn được tình trạng vô cớ tụ tập đánh nhau, mất an ninh trật tự xã hội” - chỉ huy Phòng CSHS, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không mâu thuẫn vẫn cầm dao hỗn chiến