Không thể chờ đợi

Thảo Đan | 12/04/2022, 10:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau Ninh Bình, Lào Cai, Nam Định… Hà Nội quyết định cho trẻ mầm non đến trường vào ngày 13/4 sau một thời gian rất dài “cửa đóng, then cài” vì dịch bệnh.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Đây là địa phương mà trẻ mầm non có “kỳ nghỉ” bất đắc dĩ dài nhất trên cả nước.

Như vậy, với quyết định của Hà Nội, học sinh của 63 tỉnh, thành đều được quay trở lại trường học trực tiếp, cho thấy giáo dục cả nước chính thức bước vào giai đoạn bình thường mới. Tất nhiên, trong quá trình này, việc chuyển đổi trạng thái tạm thời sang dạy học trực tuyến (nơi dịch bệnh chuyển biến phức tạp) vẫn diễn ra, nhưng rất linh hoạt, nhẹ nhàng, không gây tâm lý bị xáo trộn, do địa phương, nhà trường, phụ huynh, học sinh đều đã quen, với sự sẵn sàng cả về tâm lý, cơ sở vật chất, cách thức tổ chức dạy học…

Thời gian qua, về cơ bản chủ trương mở cửa trường học được triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công điện gửi Giám đốc các sở GD&ĐT để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Các địa phương chủ động linh hoạt thích ứng, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và an toàn cho học sinh trong phòng chống dịch.

Đối tượng được ưu tiên cho quay trở lại trường học sớm nhất là học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12), học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bởi thế, với đặc thù cấp học, giáo dục mầm non chịu tổn thất “kép” trong dịch bệnh vì vừa không thể tổ chức dạy học trực tuyến, vừa chậm được quay trở trạng thái dạy học trực tiếp. Theo dõi các báo cáo cập nhật của Bộ GD&ĐT luôn thấy tỷ lệ được đến trường thấp nhất thuộc về khối giáo dục mầm non.

Cũng chỉ ở giáo dục mầm non mới có tình trạng hàng chục nghìn cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tạm dừng hoạt động, giải thể; nhiều giáo viên bị mất việc, hoặc bỏ việc để tìm công việc khác vì nhu cầu cuộc sống… Khi có quyết định mở cửa trường học của cơ quan chức năng, thiệt hại nặng nề này khó có thể hồi phục trong một sớm, một chiều. Bởi vậy mới có tình trạng, trường học phải lùi thời gian đón trẻ, chấp nhận mất người học, vì phải có thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất, tìm thêm giáo viên.

Không ít phụ huynh phải đôn đáo tìm trường mới cho con vì trường cũ giải thể, hoặc đổi địa điểm. Nhiều trường đổi chủ, thay tên cũng khiến phụ huynh khó khăn trong đánh giá, thẩm định chất lượng dạy học... Ngược lại, có trường đã mở cửa nhưng phụ huynh lại chưa sẵn sàng cho con đến trường. Số trẻ đi học quá ít khiến một số trường phải xoay xở xếp lớp luân phiên để giáo viên nào cũng được đứng lớp, có thu nhập.

Ngày 31/3, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã phát đi thông điệp, thể hiện “hết sức lo ngại về tình trạng trẻ em mất đi cơ hội học tập và nguy cơ bất bình đẳng đang gia tăng đối với quá nhiều trẻ trên khắp cả nước”. Đưa ra những tổn hại với trẻ khi không được đến trường, tổ chức này kêu gọi “phải chung tay làm tất cả những gì có thể để tất cả trẻ em, kể cả trẻ mẫu giáo, được quay trở lại trường học ở mọi thành phố, thị trấn và làng mạc mà không vướng bận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Để làm được việc này, phải giải quyết được cả hai “nút thắt”: Nhận thức của phụ huynh và điều kiện để các nhà trường có thể tổ chức dạy học trở lại. Cần có chiến lược về chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non có thể khôi phục hoạt động sau dịch bệnh, thu hút giáo viên quay trở lại lớp học; tạo mọi điều kiện để khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Phải hành động và hành động quyết liệt để đưa mọi trẻ em trở lại trường học, vì “giáo dục thì không thể chờ đợi” như UNICEF khuyến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể chờ đợi