Dù là 2 môn học mang tính trải nghiệm, thực tế nhưng khi học sinh có SGK, việc nghiên cứu bài học sẽ chuẩn chỉnh hơn. Đối với giáo viên việc dạy học cũng bài bản, rõ ràng… từ đó tăng hiệu quả, chất lượng môn học.
Chia sẻ điều này, cô Vũ Trinh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - đồng thời nhìn nhận: Để giáo viên, học sinh khai thác SGK 2 môn học mang tính thực hành cao đạt hiệu quả cần cả sự quản lý sát sao từ ban giám hiệu, tổ chuyên môn tới giáo viên và đặc biệt sự chủ động, linh hoạt, tự giác nghiên cứu của người thầy.
Hữu ích với cả người dạy và học
Từ quá trình dạy học “Hoạt động trải nghiệm” của bản thân 2 năm qua, cô Nguyễn Thị Hải Quyên - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - chia sẻ: Có SGK, học sinh được tìm hiểu bài học trước tại nhà. Sau tiết học các em có thể nghiên cứu để củng cố thêm nhiều kỹ năng mà trong phạm vi tiết học có thể chưa đề cập tới. SGK giúp học sinh có thể tự tìm hiểu, thực hành, ứng dụng vào thực tế… Đối với giáo viên, SGK là phương tiện cần thiết để có “sườn ý”, bám vào triển khai các kiến thức kỹ năng khi dạy học, thậm chí có thể mở rộng, tham khảo thêm đưa vào tiết dạy.
“Học trực tuyến nhiều nên việc sử dụng SGK “Hoạt động trải nghiệm” cần thiết với cả thầy và trò. Không có sách, học sinh không biết bám vào kiến thức, kỹ năng cụ thể nào để học. Việc dạy học của giáo viên trong tiết học đôi khi không thể truyền tải hết nội dung yêu cầu nên vẫn phải yêu cầu học sinh đọc, nghiên cứu bài học trong sách trước khi thực hành”, cô Quyên khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên môn Giáo dục thể chất Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - đánh giá: Từ khi có SGK Giáo dục thể chất lớp 1, lớp 2, việc dạy học hiệu quả hơn. Trước đây, không có sách, học sinh chủ yếu học kỹ thuật, động tác trong quá trình tập luyện thực tế. Có SGK, các em có thể xem lại, nghiên cứu qua hình ảnh in trên sách rồi tập luyện những động tác chưa nhớ, chưa đạt. Với học sinh nghỉ học 1 - 2 buổi cũng có thể tự nghiên cứu, nắm bắt lại bài giảng và giáo viên chỉ cần sửa chữa các động tác để tốt hơn.
Trước ý kiến tăng thêm 2 đầu sách (Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm) mang tính thực hành nhiều hơn sẽ làm tăng tổng thể giá mỗi bộ sách; không nhất thiết phải có sách vẫn có thể dạy học…, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) - khẳng định sự cần thiết SGK trong quá trình dạy học.
Về phương án học sinh dùng chung SGK 2 môn học nói trên để giảm chi phí… cô Ngọc cho rằng, vẫn có thể áp dụng, tuy nhiên đây là 2 môn học đặc thù, có thể nghiên cứu bài học trước hoặc sau khi học. Mặt khác, học sinh tiểu học tính độc lập khá cao, việc dùng chung sẽ gây tâm lý không thoải mái trong học tập… Vì vậy, phụ huynh có thể cân nhắc trong việc mua SGK. Về phía nhà trường không ép buộc hay gợi ý mua sách. Học sinh dùng chung SGK hay riêng, giáo viên vẫn phát huy cao trách nhiệm chuyên môn trong quá trình dạy học để học sinh được giáo dục một cách toàn diện.