Không xây dựng bài giảng điện tử kiểu đẻ non, chín ép

Đức Trí | 20/08/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, việc xây dựng kho bài giảng điện tử để dạy học thông suốt là cần thiết nhưng không thể làm theo kiểu đẻ non, chín ép.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, xây dựng kho bài giảng điện tử ngoài để ứng phó tình huống dạy học trong dịch bệnh còn hướng tới đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với giáo viên, học sinh; nâng cao năng lực tự học cho người học… Do đó yêu cầu về chất lượng kho học liệu điện tử được ngành đặt ra.

Mới đây, sở triển khai, hướng dẫn xây dựng kho học liệu số dùng chung tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bộ môn khối THPT. Theo đó, tổ cốt cán họp, phân công giáo viên sản xuất bài giảng số (năm học 2022 - 2023 lựa chọn thực hiện bài giảng số với chương trình lớp 10, một số bài quan trọng lớp 12, một vài chuyên đề ôn thi tốt nghiệp THPT).

Giáo viên sau khi xây dựng xong bài giảng số phải gửi tới giáo viên cốt cán được phân công để thẩm định nội dung, hình thức, cách trình bày - giảng dạy và yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện bài giảng. Sau khi giáo viên chỉnh sửa, cán bộ cốt cán thẩm định lại lần nữa rồi nộp về sở GD&ĐT. Sở sẽ mở kho học liệu điện tử theo bộ môn và cấp quyền cho từng giáo viên vào khai thác…

Từng khai thác và xây dựng bài giảng số cho kho học liệu điện tử nhà trường, cô giáo Lê Thị Linh, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) khẳng định học liệu điện tử cần thiết trong thời điểm dịch bệnh, phải dạy học trực tuyến, giúp hoạt động dạy học nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, để kho học liệu số thu hút giáo viên khai thác thì chất lượng nguồn tư liệu cần tăng cường về “chất” hơn nữa.

Cụ thể, các sáng kiến, thiết kế bài thí nghiệm, thực hành môn học, xây dựng video, hình ảnh khai thác… trước khi đưa vào kho học liệu điện tử phải được kiểm duyệt, thẩm định chất lượng từ ban giám hiệu, tổ chuyên môn để bảo đảm nguồn tư liệu tốt, chính thống. Từ đó việc khai thác, vận dụng mới hiệu quả, hữu ích; giáo viên có thể học hỏi nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy, học trực tuyến...

Tại Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), thời gian qua, giáo viên các khối lớp đã xây dựng được nhiều bài giảng điện tử đưa vào kho học liệu số nhà trường. Tuy nhiên, theo cô Hiệu trưởng Vũ Thị Phượng, chất lượng chưa đồng đều, nhiều tư liệu không đạt yêu cầu. Như vậy, nếu kho học liệu điện tử chỉ tăng về số lượng, hạn chế về chất lượng sẽ khiến giáo viên mất niềm tin, không dành thời gian đọc, khai thác.

Do đó cô Phượng cho biết, năm học tới sẽ quyết tâm xây dựng kho học liệu điện tử chất lượng hơn để đảm bảo cho việc khai thác dạy học trực tuyến khi có dịch bệnh. Trường sẽ tiếp tục khuyến khích, đi liền với “đặt hàng” giáo viên xây dựng bài giảng số theo chuyên đề, nội dung cụ thể các khối lớp. Bên cạnh đó lập tổ kiểm định chất lượng bài giảng điện tử cùng ban giám hiệu. Mỗi bài giảng điện tử trước khi đưa vào kho học liệu số sẽ trải qua tối thiểu 2 vòng thẩm định.

Khẳng định sẽ phát triển chất lượng kho học liệu số trong năm học tới, thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) cho hay: Ban giám hiệu sẽ yêu cầu giáo viên xây dựng bài giảng điện tử chú trọng đến đối tượng thụ hưởng (học sinh lớp chuyên, lớp thường). Bài giảng điện tử cho chương trình, đối tượng nào sẽ giao giáo viên phù hợp chịu trách nhiệm biên soạn và yêu cầu bám sát khung nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy. Khâu thẩm định học liệu số cũng siết chặt hơn, phải qua ít nhất 2 giáo viên để có thể hoàn thiện.

Đặc biệt, nhằm xây dựng nguồn học liệu ngày càng chất lượng, trường sẽ đưa ra lộ trình rõ ràng để giáo viên triển khai, tránh thúc ép tiến độ dẫn tới “đẻ non, đẻ ép”. Trường cũng nghiên cứu và hướng tới xây dựng bài giảng điện tử theo từng chuyên đề để buộc người học đọc, học, xem, nhìn... một cách tập trung nhất, và đi lần lượt các chuyên đề, như vậy sẽ đảm bảo sự tương tác cao giữa học sinh với bài giảng điện tử…

Theo cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngành Giáo dục bước vào dạy học trong bối cảnh mới nên việc xây dựng kho bài giảng điện tử cần được chỉ đạo, hướng dẫn triển khai cụ thể từ tổ chuyên môn, ban giám hiệu. Bài giảng phải đáp ứng được yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đặc biệt với khối lớp 6, 7. Cần kiểm định chất lượng kỹ càng trước khi đưa vào kho bài giảng điện tử dùng chung của trường hoặc phòng GD&ĐT. Tiếp tục thẩm định nguồn tư liệu điện tử cũ, chấp nhận loại bỏ nếu chất lượng không còn phù hợp điều kiện dạy học mới…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-bai-giang-dien-tu-khong-the-de-non-chin-ep-post604881.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-bai-giang-dien-tu-khong-the-de-non-chin-ep-post604881.html
Bài liên quan
Thi bài giảng và bài viết về Toán học mang tên GS Hoàng Tụy
Đây là kỳ thi bài giảng, bài viết toán học dành cho giáo viên phổ thông môn Toán, sinh viên các trường đại học cũng như các độc giả khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không xây dựng bài giảng điện tử kiểu đẻ non, chín ép