'Muôn dặm vì chồng' là vở cải lương mang tính luận đề. Ảnh: Bình Thanh. |
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Tồn vượt sóng, vượt gió lai kinh để đánh trống kêu oan cho chồng sử sách đã ghi và giờ đây được hậu thế ngợi ca, nhất là qua kịch bản sân khấu như “Muôn dặm vì chồng”. Có thể thấy, cùng với việc khắc họa đậm nét hình tượng người phụ nữ can trường, sắt son, thủy chung, vở cải lương này còn có cả những luận giải sâu sắc về việc làm quan của người xưa.
Luận giải đầu tiên là lời chất vấn thẳng thắn về trách nhiệm với dân từ bà con Láng Thé bị quan tham cướp đất với tri huyện Bùi Hữu Nghĩa, rằng: “Ngài làm quan lớn ăn bổng lộc triều đình, vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bổn phận của ngài là bảo vệ dân chúng hay chỉ biết đứng nhìn dân chết đói?”.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tồn cũng từng nghi hoặc: “Chàng luôn sống vì dân, chịu nắng dãi mưa dầu, nay lẽ đâu cam ngoảnh mặt cúi đầu? Thấy dân chết mà không ra tay cứu giúp thì danh tiếng của chàng sẽ chẳng còn chi. Ác bá cường hào sẽ làm hoen ố dần đi những công chính liêm minh mà bấy lâu chàng có? (…) Có lẽ, chàng đã sai khi chọn đường làm quan trong thời thế nhiễu nhương này?”.
Tiếng trống kêu oan của bà Nguyễn Thị Tồn trong vở cải lương 'Muôn dặm vì chồng' được NSND Thanh Hương thể hiện rất lắng đọng. Ảnh: Bình Thanh. |
Chất vấn là vậy chứ ai cũng hiểu tấm lòng của Bùi Hữu Nghĩa với nước với dân không bao giờ chịu khuất phục đê hèn cùng nguyên tắc: “Nếu không giúp được dân lành, ta đâu còn xứng đáng làm quan”. Nhưng trước sự nhiễu nhương của đám tham quan, ông cũng phải thốt lên: “Ôi làm quan thật khó, vì không thể nào che chở cho dân, triều đình trên cao sao thấu được cảnh tình?”.
Bà Tồn thì xót xa: “Gió bụi quan trường chỉ là mây nước phù du, mà ẩn chứa bao hiểm họa khôn lường”. Vì vậy, bà cảm thương cho thân phận kẻ làm quan vì “đã quá tin vào điều hữu danh vô thực. Bổng lộc trong cuộc đời như dòng nước xiết đã mài nhẵn viên sỏi trắng giữa dòng”…
Người em kết nghĩa Thiên Hương cũng đưa ra những bình phẩm: “Thượng sách là kế quay lưng bỏ hết chuyện nhân gian, quên nỗi đau của dân mà ông đương hưởng lộc… Kẻ làm quan đã mưu cầu hưởng lợi phải biết khôn, xóa hết những ưu tư vờ như không và ngậm miệng”. Nhất là: “Làm quan trong thời thế nhiễu nhương này, phải chăng kẻ sĩ phải mập mờ bởi hai chữ ngu trung?”.
Dầu vậy, trong họ vẫn không vơi bớt niềm tin: “Mây mù sẽ tan khi bình minh chiếu dọi/Chính nghĩa rồi đây sẽ thắng gian tà!”. Thực ra, những nỗi niềm ấy đâu phải chỉ của riêng Bùi Hữu Nghĩa mà là của bất kỳ vị quan thanh liêm, chính trực nào luôn dốc lòng vì xã tắc.
Sự luận giải này còn “nóng bỏng” hơn khi bà Nguyễn Thị Tồn đến gặp quan Thượng thư Bộ lại Phan Thanh Giản và có lời trách khéo: “Kẻ sĩ như ngài nếu được ở gần dân thì ngài sẽ không bàng hoàng đến thế” khi thấy vị quan đầu triều bàng hoàng nghe chuyện tham quan cướp đất của người dân Láng Thé.
Cũng là bà Tồn đã cả gan nhờ quan Thượng thư Bộ lại thảo sớ kiện… triều đình cùng cái lý: “Các chức quan có phải do triều đình sắp đặt, nay quan tham của cả một tỉnh hùa nhau hà hiếp dân lành, há chẳng phải từ việc dùng người bất minh ư?”.
Hơn nữa: “Trị quốc chưa yên thì làm sao chống giặc? “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân” - là câu nói của danh thần Nguyễn Trãi đã in sâu trong tâm trí bao người. Sẽ phải làm sao cho muôn nhà no ấm? Một lũ quan tham trong triều quen ăn chơi hưởng lạc, hà hiếp người lành, cướp đất của dân đen, không kiện lúc này bao người sẽ chết vì hàm oan?”.
Thấy quan Thượng thư Bộ lại từ chối, bà liền cất tiếng than từ nỗi lòng mình hay nỗi lòng của người dân Láng Thé: “Ở đời dò sông, dò biển dễ dò… Muốn được tiếng thanh liêm thì phải khéo tránh xa những điều rắc rối, còn chính trực thì phải cố vờ như mắt đui tai điếc để giữ yên cho cái ghế của mình?”.
Quả là, những nỗi niềm ấy nghe thật chua xót, chất chứa oán giận nhưng đó là lời nói thẳng, nói thật từ lòng dân cần được bậc minh quân lắng nghe, thấu tỏ và công minh làm chủ. Nhưng, giữa ngôi cao bệ rồng và xung quanh không ít xu nịnh chỉ có lời hay, ý đẹp, khó phân định đúng sai thì luôn cần đến những ngọn đèn soi tỏ chính là các bậc trung thần để cùng gìn giữ nền thịnh trị bền lâu.
Song để những ngọn đèn ấy không bị vùi dập, hàm oan và bền bỉ tỏa sáng thì cần lắm triều đình không chỉ trừng trị tham quan cho lòng dân yên mà còn phải: “Vén mây mù che phủ, không giam cầm khát vọng được sống vì dân của các bậc chí sĩ trung lương”.
Vì vậy, “Muôn dặm vì chồng” của Nhà hát Cải lương Hà Nội là vở cải lương mang tính luận đề. Từ câu chuyện về tấm tình sắt son của người vợ đối với chồng, khán giả được hiểu thêm về tấc lòng của các bậc trung thần với nhân dân, với quê hương, đất nước.
Dù vẫn còn đó những bè cánh nhũng nhiễu gieo rắc oan khiên nhưng họ luôn đặt trọn niềm tin vào bậc minh quân không chỉ thương dân mà còn cần biết lắng nghe nỗi lòng dân và hiểu thấu để phân trong - đục. Những điều này không phải chỉ có ở thời xưa nên vở cải lương còn gợi mở nhiều điều mang giá trị tính thời đại, đáng để soi vào và suy ngẫm.
“Tôi đã dựng vở cải lương “Muôn dặm vì chồng” của cố tác giả Ngọc Linh và Lê Chí Trung bằng tâm thế thoải mái chứ không hề bị áp lực dù trước đó nhiều đơn vị nghệ thuật đã công diễn và được công chúng đón nhận. Cũng bởi, tôi tìm được chìa khóa của riêng mình. Đó là, bên cạnh sự nghiêng mình trước đức hy sinh vì chồng, vì dân của bà Nguyễn Thị Tồn còn là câu chuyện về bậc minh quân, trung thần biết lắng nghe tiếng lòng của người dân cùng lời nhắc nhớ: “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân”…”. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai