Khuyết 'đầu tàu', trường đại học đi về đâu?

10/06/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực trạng nhiều trường ĐH hiện thiếu hiệu trưởng đã đặt ra vấn đề về công tác quản lý và phát triển, nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi SV.

Thiếu sự lãnh đạo của Đảng nên công tác nhân sự nguồn cho vị trí hiệu trưởng thiếu sự thống nhất giữa cấp ủy và nguyện vọng của cán bộ chủ chốt trong trường. Trường hợp đã xảy ra ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một ví dụ điển hình khi hiệu phó trong quy hoạch phút cuối không được cấp ủy thống nhất và thay bằng một trưởng khoa. Để rồi Bộ GD&ĐT không công nhận vì quy trình nhân sự có chỗ thực hiện sai.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, việc vài trường khuyết hiệu trưởng xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng chủ yếu vẫn là nhân sự được nhắm đến bị thiếu một hay nhiều tiêu chí nào đó, trong khi nhân sự kế cận chưa đủ “độ chín” để bổ nhiệm. Giao quyền phụ trách để đảm bảo việc quản trị ổn định nhà trường là việc bất khả kháng.

“Nhiều người cứ lo lắng và quan ngại việc phó hiệu trưởng phụ trách hay quyền hiệu trưởng sẽ không giúp trường ổn định và phát triển đúng chiến lược đề ra, hay ảnh hưởng đến sinh viên. Thực tế và suy nghĩ đó là hoàn toàn sai. Vì hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng phụ trách đều phải nhận được sự tín nhiệm và đồng thuận lớn từ Hội đồng trường, cán bộ chủ chốt của trường.

Phó hiệu trưởng theo luật cũng được giao quyền hạn và nhiệm vụ như hiệu trưởng nên công tác quản lý hay ký phát bằng cho sinh viên không có gì khác biệt. Quan trọng là cái tâm và trách nhiệm của người được giao phụ trách với nhà trường, sinh viên thế nào? Còn ở Trường ĐH Luật TPHCM, 4 năm qua dù không có hiệu trưởng nhưng tôi tự tin khẳng định không có bất cứ sinh viên hay giảng viên, cán bộ quản lý nào bị ảnh hưởng quyền lợi, thậm chí trường còn có bước phát triển ấn tượng hơn cả giai đoạn trước”, PGS.TS Trần Hoàng Hải chia sẻ.

Giải pháp nào để “ghế nóng” không trống?

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, nêu quan điểm, một cơ sở giáo dục đại học không có người ngồi ở vị trí chủ chốt trong thời gian dài chứng tỏ đơn vị đang đối diện với vấn đề mất đoàn kết nội bộ. Thiếu hiệu trưởng khiến cho công tác đầu tư, mua sắm và công tác xây dựng chiến lược phát triển nhà trường gặp nhiều khó khăn.

“Tôi không tin, với một cơ sở giáo dục đại học lại không thể lựa chọn được người vào vị trí này. Vấn đề đặt ra là, cần có sự thống nhất, đoàn kết nội bộ”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, và cho biết, với những cơ sở đào tạo để tình trạng này kéo dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc.

Theo ông Phạm Văn Hòa, cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc không có nghĩa là làm thay hoặc “chen ngang” vào nội bộ của cơ sở đào tạo. Mục đích của việc này là tìm hiểu nguyên nhân để “bắt bệnh”; từ đó tư vấn, định hướng và đưa ra liệu pháp “trị liệu” phù hợp, hiệu quả.

Nhấn mạnh, thiếu hiệu trưởng là vấn đề đáng quan ngại, bà Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) bày tỏ, không phải ngẫu nhiên Nhà nước lại đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; trong đó có hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng trường đại học được coi như người “đứng mũi chịu sào”. Khuyết hiệu trưởng sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, đào tạo, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Nhiều người cho rằng, thiếu hiệu trưởng nhưng nhà trường vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Minh nhìn nhận, đây là các hoạt động có tính chất ổn định hằng năm và thường xuyên, nó giống như việc “chạy theo quán tính”. Thực tế, có nhiều vấn đề cần quyết định của hiệu trưởng mà không ai có thể làm thay hoặc ký thay. Đơn cử như một số vấn đề liên quan đến tài chính, nếu không có chữ ký của hiệu trưởng sẽ khó giải quyết.

Còn những người được giao nhiệm vụ ủy quyền, đâu đó họ vẫn có tâm lý e ngại, “giữ mình” để tránh rủi ro. Từ thực trạng trên, đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh, công tác nhân sự cần được kiện toàn chặt chẽ, nếu không dứt khoát và thiếu thủ lĩnh có thể dẫn đến hệ quả khó lường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Bà Hồ Thị Minh hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo đề xuất, cơ sở giáo dục đại học không được khuyết vị trí lãnh đạo chủ chốt quá 12 tháng. “Tôi cho rằng, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì 12 tháng, Ban soạn thảo nên điều chỉnh theo hướng: Cơ sở giáo dục đại học không được khuyết vị trí lãnh đạo chủ chốt quá 6 tháng, sẽ hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn”, bà Hồ Thị Minh đề xuất.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã đề xuất sửa đổi Nghị định 99, trong đó nội dung được chú ý nhất liên quan đến vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất sửa Nghị định 99 theo hướng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của “cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận”. Theo đó, trong trường hợp một trường đại học mới thành lập hoặc trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng thì cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khuyet-dau-tau-truong-dai-hoc-di-ve-dau-post642325.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khuyet-dau-tau-truong-dai-hoc-di-ve-dau-post642325.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyết 'đầu tàu', trường đại học đi về đâu?