Các nhân viên Ukraine diễn tập ứng phó thảm họa hạt nhân gần nhà máy điện Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Mark Zheleznyak, Giáo sư thỉnh giảng của Viện phóng xạ môi trường tại Đại học Fukushima, nhận định khả năng rủi ro tại Zaporizhzhia nhỏ hơn so với ở Fukushima. "Sẽ không có thảm họa phóng xạ, bởi vì một lò phản ứng ngừng hoạt động không thể phát ra phóng xạ", ông nói, đồng thời khuyên không nên hoảng loạn.
2 kịch bản tiềm tàng
Trung tâm An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Ukraine đã đề ra hai kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia.
Trong kịch bản đầu tiên, lớp vỏ bảo vệ dày 1 mét của lò phản ứng vẫn còn nguyên vẹn, trong khi cơ sở bên dưới bị tan chảy. Đây có thể là trường hợp mất điện hoàn toàn hoặc hệ thống làm mát bị hỏng. Các chuyên gia ước tính rằng trong một kịch bản như vậy, một khu vực khoảng 2,5 km xung quanh nhà máy điện sẽ bị nhiễm phóng xạ.
"Về cơ bản, điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến các nhân viên làm việc tại nhà máy điện", Trung tâm trên cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng những người này sẽ phải rời khỏi khu vực.
Kịch bản còn lại là một sự cố nạn hạt nhân kèm theo lớp vỏ bảo vệ bị hư hỏng. "Trong kịch bản này, rò rỉ phóng xạ sẽ ảnh hưởng với bán kính rộng hơn nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Khu vực bị nhiễm xạ sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết", Trung tâm An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Ukraine giải thích.
Chuyên gia Ivan Kovalets tại Học viện Khoa học Ukraine tính toán rằng, tùy thuộc vào lực và hướng gió, một khu vực rộng tới 20 km xung quanh nhà máy hạt nhân có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
"Trong trường hợp này, cần phải sơ tán ngay lập tức", chuyên gia Kovalets nói. Ngay cả những người sống cách nhà máy điện 550 km cũng có thể đối mặt với những rủi ro sức khỏe nhất định. "Tuy nhiên, ở những khoảng cách như vậy, không cần phải có biện pháp đối phó hoặc sơ tán ngay lập tức", ông Kovalets nói thêm.