Đến nay sau 2 năm học ở TP.HCM cô gái này đều đặn kiếm về mỗi tháng khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng, nhờ giới thiệu các nhãn hàng qua kênh TikTok.
Thảo Linh (23 tuổi) tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Hà Nội. Đi làm nhân viên văn phòng lương tháng 8 triệu đồng/tháng không đủ sống ở thành phố, Linh bắt đầu tập làm các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội với mục tiêu để bán các sản phẩm đặt từ nước ngoài.
Sau một thời gian, Thảo Linh quyết định vay vốn ngân hàng nhập các sản phẩm thời trang từ nước ngoài về rồi bán các sản phẩm này trên trang đã xây dựng. Sau 1 năm doanh thu bán hàng tăng đột biến, lượng tương tác cũng từ đó tăng lên. Linh đã phải thuê thêm 4 nhân viên giúp việc.
Cô gái này đã đầu tư phát triển các kênh trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube… giúp Thảo Linh ngày càng bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng giúp thu nhập mỗi tháng của Thảo Linh dao động từ 60 đến 80 triệu.
Thảo Linh cho biết, hiện nay có nhiều người tìm đến các kênh do cô xây dựng để thuê bán hàng, cô cũng tìm ra một phương án kiếm thêm thu nhập là đào tạo học viên xây dựng nội dung vào các buổi tối trong tuần.
Tương tự, Nguyễn Viết Khánh (sinh năm 2004), khi còn là học sinh THPT, đã tham gia xây dựng các kênh trên các nền tảng mạng xã hội. Khánh có kênh YouTube hơn 150.000 người đăng ký, kênh TikTok với hơn 700.000 người Follow, một trang Facebook với hơn 1 triệu like.
Mỗi tháng doanh thu của Khánh mang về khoảng 70 đến 80 triệu, có những tháng cao điểm doanh thu có thể lên đến 100 triệu tùy vào các nhãn hàng book quảng cáo.
Hiện nay, một trong những cách kiếm sống nổi tiếng nhất là tạo nội dung video mà mọi người muốn xem và Chương trình đối tác của YouTube (Partner Program) là một trong những chương trình tiên phong trong lĩnh vực này. Partner Program được xây dựng vào năm 2007 và nếu người sáng tạo đáp ứng các tiêu chí, họ có thể đặt quảng cáo trên video. YouTube chiếm 55% doanh thu quảng cáo và người sáng tạo giữ 45% còn lại.
Có thể nói, sáng tạo nội dung ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao trên toàn cầu tham gia và tạo ra doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ở Việt Nam, ước tính cũng có lực lượng hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này, hàng năm mang về một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.
Theo số liệu của năm 2022, số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội là 20.000 người, đem lại doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).
Theo các chuyên gia, YouTube là một trong những nền tảng sáng tạo nội dung có lượng người tham gia MMO hàng đầu thế giới hiện nay. Với tốc độ phát triển đến chóng mặt của các dịch vụ nội dung số, chỉ riêng trong năm 2022 đã có hơn 51 triệu kênh YouTube được tạo mới tương đương với mức tăng trưởng 36%.
Trong đó, 306.000 kênh YouTube đạt hơn 100.000 người đăng ký, 29.000 kênh có hơn 1 triệu người đăng ký và 700 kênh có hơn 10 triệu người đăng ký. Số lượng tài khoản khổng lồ này cũng đem về cho YouTube hơn 1 tỷ giờ nội dung video được xem mỗi ngày.