Khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hỏi con: "Tại sao con làm gãy hết bút vậy?". Đứa trẻ trả lời: "Dạ con cũng không biết, tự nhiên nó gãy đó cha"; "Tại sao con lại bẻ hết ra vậy", cu cậu giải thích: "Con cũng không biết, giống như có gì thôi thúc con phải cắt nhỏ cục gôm ra đó cha". Đúng là câu trả lời... kiểu mẫu. Đến nước này thì người làm cha làm mẹ chỉ biết đứng hình chứ chất vấn thêm làm gì nữa.
Dưới phần bình luận, nhạc sĩ này cũng than thở: "Tiền hao quá" khiến nhiều phụ huynh đồng cảm. Nhiều người để lại bình luận: "Em toàn mua sỉ mà còn không kịp, xác định mang đi lớp là tối không mang về đến nhà. Bút mua mỗi lần 1 chục hộp, gôm 1 hộp, gọt bút chì 1 hộp... Bút máy thì bị 'phân thân' kèm theo cái áo trắng biến thành áo loang"; "Cảm giác cắt cục gôm nó kiểu như mình đang làm chủ hình thái cục gôm vậy, đó là 1 phạm trù rất sâu sắc"; "Chị xác nhận có nha em. Ngồi nghe cô giảng bài buồn buồn lấy bút chì đâm vô cục gôm thành nhiều lỗ để nứt làm đôi; lấy chuốt bút chì chuốt cho cây bút ngắn tủn nè; lấy ngòi bút đâm xuống bàn cho 'tèo' ngòi ra hư luôn cũng có… Tới lúc hỏi tại sao thì 'hông' biết 'hổng' biết nữa…".
Thế mới thấy, dù có là nhạc sĩ nổi tiếng đi nữa thì vẫn không thể tránh khỏi "kiếp nạn" hao hụt dụng cụ học tập khi con bắt đầu "đại học chữ to". Nếu bố mẹ cũng đang đau đầu như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì hãy trang bị những bí kíp sau đây:
- Dán tên con hoặc đánh dấu lên tất cả các dụng cụ, từ bút đến cục tẩy để con khỏi bị lẫn với các bạn.
- Nhiều phụ huynh lựa chọn cách báo với giáo viên chủ nhiệm để lưu ý vấn đề này trước cả lớp. Mặc dù giáo viên thường có tiếng nói với trẻ nhưng đây không phải là cách giải quyết triệt để vấn đề. Bởi 1 mình cô trông đến mấy chục bé, dạy chữ, viết mẫu, cho ăn, trông ngủ và bao nhiêu chuyện phát sinh.
- Những biện pháp phía trên chỉ đều mang tính tạm thời, còn về lâu về dài, việc bố mẹ cần làm là rèn cho trẻ tính cẩn thận. Rõ ràng đây là một chuyện chẳng dễ dàng gì bởi trẻ con thường hiếu động, mất tập trung, mải chơi và hay quên. Do đó mà nếu như đã nhắc nhở, uốn nắn bao nhiêu lần đều không được thì bố mẹ cũng đừng vội nản chí. Vì đây chính là lúc bố mẹ cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết.
- Mỗi ngày trẻ đi học về, bố mẹ kiểm tra thấy bé không bị mất đồ dùng học tập thì đừng tiếc lời khen cho con. Khi trẻ làm mất đồ cũng cố gắng kiềm chế cơn cáu giận mà thay vào đó là những lời nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như: "Bố/mẹ lo quá chắc sắp hết tiền mua đồ dùng học tập cho con rồi" hay "Mẹ định mua cho con cây bút hình siêu nhân/công chúa nhưng vì con làm mất nhiều quá nên giờ chỉ đủ tiền mua cho con cây bút thường thôi". Những câu nói có tính mưa dầm thấm lâu này sẽ có tác dụng thay đổi trẻ nhiều hơn là sự quát nạt.