Đối với bài kiểm tra môn Lịch sử và Địa lý, học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) làm bài xong phân môn này, thu bài rồi mới làm đến đề của phân môn còn lại. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: “Chúng tôi tham khảo cách tổ chức thi môn tổ hợp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để áp dụng. Vì vậy, sẽ có thêm 5 phút để thu bài sau mỗi phân môn. Học sinh làm bài kiểm tra trên 2 tờ giấy riêng biệt sẽ thuận lợi cho giáo viên khi chấm. Giáo viên phân môn nào sẽ nhận bài kiểm tra của phân môn đó để chấm, không phải chấm chung nên không mất thời gian chờ đợi”.
Thế nhưng, với môn Khoa học tự nhiên, đề kiểm tra lại không thể tách rời được như môn Lịch sử và Địa lý. Theo cô Trần Thị Mai, 3 giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ ngồi lại để phối hợp chấm bài. “Đề được xây dựng chung, mỗi giáo viên sẽ chấm phần câu hỏi của phân môn theo barem điểm quy định. Sau đó, phân môn nào có số lượng tiết nhiều hơn, giáo viên sẽ đảm nhận luôn phần tổng hợp và vào điểm”.
Tiến độ vào điểm của giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của nhà trường, thầy Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), thông tin đồng thời cho hay: Đối với việc chấm điểm, ban giám hiệu giao cho tổ trưởng chuyên môn giám sát. Tiến độ vào điểm cũng kịp thời, vì các thầy cô đã thống nhất với nhau từ khâu ra đề theo ma trận, thang điểm và đáp án bài thi.
Với đề kiểm tra giữa kỳ, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khuyến khích những câu hỏi có tính tích hợp, liên môn. “Tuy nhiên, đến bài kiểm tra cuối kỳ, mỗi đề thi đều phải có câu hỏi mang tính chất liên môn, tích hợp. Điều này logic hơn vì đến cuối học kỳ I, dung lượng kiến thức các phân môn trong từng môn vừa đủ để giáo viên có những câu hỏi tích hợp. Câu hỏi liên môn sẽ có tính chất đánh giá, phân loại học sinh” – cô Nguyễn Thị Ngọc Anh khẳng định.
Nhận xét về điều này, cô Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng) - cho biết: “Việc kiểm tra, đánh giá đều dựa theo nội dung, các chủ đề mà học sinh đã học. Phòng GD&ĐT hướng dẫn nhà trường cần khuyến khích những câu hỏi mang tính chất tích hợp, liên môn, đúng với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một nguyên lý, quy luật chung đều đã có nội dung liên môn rồi”.
Thầy Đàm Duy Tuấn, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Trung Hạ, nhấn mạnh: “Đối với những câu hỏi có độ phân hóa thì đưa vào phần tự luận. Như vậy, những câu hỏi mang tính chất phân loại trình độ học sinh thì không xây dựng theo phân môn, mà tích hợp cả 3 môn. Ví dụ: Vai trò của Oxy đối với cuộc sống và tự nhiên như thế nào, trong đó bao gồm cả kiến thức Hóa học, Sinh học và Vật lý”.