Ủng hộ đề xuất về chính sách học phí của Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) – phân tích: Chính sách này nhằm làm giảm bớt khó khăn sau Covid-19 của nhiều gia đình nghèo, lao động di cư và lao động tự do hiện nay. Qua đó, thể hiện sự đồng hành với chia sẻ của Nhà nước trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng lên.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Việt, nếu Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 là chính sách động viên mọi trẻ em có quyền học tập, bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Thực tế cho thấy, xã hội bức xúc nhiều vì sự biến tướng của hiện tượng xã hội hóa trong giáo dục như: Các khoản chi đóng góp rất vô lý và thường xuyên; dạy thêm, học thêm tràn lan, các khoản chi mua sách tham khảo, vở in theo mẫu của trường… gây tốn kém cho phụ huynh và khiến chi tiêu tư nhân cho giáo dục tăng gấp đôi (từ 2012 - 2019 đã là gần 8 triệu/học sinh).
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc giảm/miễn học phí trong 1 - 2 năm là giải pháp tình thế. Điều cần thiết là, rà soát, đánh giá lại thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục, đồng thời giám sát, công khai minh bạch cả đầu tư cho giáo dục từ nguồn ngân sách Nhà nước nhằm bảo đảm chi hợp lý, hiệu quả; đồng thời cả phần ngân sách xã hội hóa như: Thu đúng chính sách và chi công khai, đúng cam kết với người học và xã hội.
Riêng với lĩnh vực GDĐH, GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – nhìn nhận: Trong bối cảnh hiện nay, người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên thu nhập chưa hoàn toàn ổn định. Mặt khác, chúng ta đang trong giai đoạn kiểm soát lạm phát nên khuyến cáo với những cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là trường tự chủ chưa nên tăng học phí ở thời điểm này. Qua đó, nhằm thể hiện trách nhiệm với xã hội, người học và cùng với Nhà nước kiềm chế lạm phát.
GS.TS Hoàng Văn Cường viện dẫn: Có nhiều trường không thực hiện tăng học phí. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – một trong những trường được tự chủ và được quyền xây dựng mức học phí theo định mức kỹ thuật. Nhưng 3 năm qua, nhà trường không tăng học phí và năm nay tiếp tục không tăng.
Tất nhiên, đó là chính sách của mỗi cơ sở đào tạo và trách nhiệm của mỗi trường đối với xã hội, người học. Còn đứng về phía Nhà nước thì chỉ có tính chất khuyến cáo hoặc đề nghị. Vì thế, bản thân rất ủng hộ việc Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023; trong đó có các cơ sở GDĐH công lập.
Mới đây, Bộ GD&ĐT kiến nghị: Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 để các đơn vị kịp thời thực hiện; đồng thời giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023 - 2024; trong đó có một số nội dung liên quan đến học phí giáo dục mầm non; THCS, THPT, giáo dục đại học. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ GD&ĐT khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023.