Cô Trần Thị Hà Mi, GV Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý các kiến thức, kỹ năng cần rèn luyện để làm tốt bài Địa lí thi tốt nghiệp THPT.
Với chương trình mới, nội dung kiến thức Địa lí vẫn được sắp xếp theo cấu trúc: Địa lí tự nhiên - Địa lí dân cư - Địa lí các ngành kinh tế - Địa lí các vùng kinh tế. Học sinh không những cần nhận biết, ghi nhớ kiến thức mà còn phải hiểu bản chất, sự thống nhất, logic, các mối quan hệ trong địa lí.
Để thuận lợi cho việc ôn tập lý thuyết, học sinh có thể thực hiện bằng cách lập sơ đồ tư duy theo từng chủ đề. Việc này giúp các em khái quát được những nội dung cơ bản nhất. Có thể chia thời gian để ôn tập theo sơ đồ tư duy. Ví dụ, tuần 1 - phần tự nhiên và phần dân cư; tuần 2, phần kinh tế ngành; tuần 3, phần kinh tế vùng.
Các thành phần địa lí có mối liên quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau, tự nhiên tác động đến kinh tế - xã hội và ngược lại.
Vì thế, khi ôn tập lý thuyết, học sinh có thể tự đặt câu hỏi về những tác động, ảnh hưởng của các thành phần địa lí để thấy rõ được bản chất, hiểu kiến thức được sâu hơn.
Trong khoảng thời gian ngắn còn lại, các em học sinh nên tập trung nội dung theo mục tiêu điểm số đã đặt ra, dựa trên ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.
Phần lớn câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu tập trung ở phần địa lí tự nhiên, dân cư và các ngành kinh tế, vì thế học sinh nên ôn tập thật kỹ những câu hỏi trong phần kiến thức này. Học đến đâu, chắc đến đó.
Sự thay đổi về hình thức làm bài trắc nghiệm chuyển từ trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn sang kết hợp: trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, trắc nghiệm đúng sai và trắc nghiệm trả lời ngắn giúp học sinh được làm quen với những dạng bài mới, phát triển năng lực một cách thực sự. Vì vậy, việc trang bị những kĩ năng cơ bản khi ôn tập cũng như làm bài là rất cần thiết.
Kỹ năng làm câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn: học sinh cần lưu ý đọc thật kỹ câu hỏi để tìm từ khóa, đọc đầy đủ các đáp án, có thể dùng phương pháp loại trừ nếu chưa chọn được 1 đáp án đúng ngay lập tức. Đối với các câu ở mức độ khó thường xuất hiện khi hỏi về các vùng kinh tế, học sinh có thể ưu tiên làm các câu hỏi khác trước.
Kỹ năng làm câu hỏi đúng/sai: Đây là dạng câu hỏi yêu cầu học sinh cần có kiến thức sâu, rộng, kĩ năng tốt mới có thể đạt điểm tối đa, học sinh rất dễ mất điểm ở phần câu hỏi này.
Đối với dạng câu hỏi đúng sai phần lý thuyết, học sinh đọc thông tin cho sẵn, xác định chủ đề, phạm vi kiến thức của đoạn thông tin, sau đó đọc các phương án và đối chiếu với đoạn thông tin để đưa ra nhận định đúng hoặc sai. Thông thường sẽ có 1-2 nhận định dựa vào dữ liệu có trong đoạn thông tin, các nhận định còn lại cần kết hợp với kiến thức bài học liên quan.
Đối với dạng câu hỏi đúng sai phần bảng số liệu/biểu đồ, học sinh có thể cần tính toán số liệu để xác định được các nhận định đúng hoặc sai. Phần này học sinh đặc biệt lưu ý đọc kỹ câu từ trong các nhận định, tránh đọc nhanh, đọc lướt và chọn sai (ví dụ các từ: cao nhất/thấp nhất, tăng/giảm,…)
Kỹ năng làm câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn: Để làm được dạng trắc nghiệm này, học sinh cần ghi nhớ các công thức thường dùng trong môn Địa lí. Lỗi sai thường gặp của học sinh là nhầm công thức, chưa đổi đơn vị hoặc làm tròn sai,... Học sinh lưu ý:
Luôn chú ý đơn vị trong bảng số liệu, trong yêu cầu của đề bài: Triệu người, nghìn người, triệu tấn, nghìn km², triệu đồng,… Nếu đổi đơn vị không đúng, kết quả tính toán sẽ sai.
Cần làm tròn số chính xác: Các câu hỏi thường có yêu cầu về cách làm tròn, học sinh cần đọc kỹ và làm tròn đến hàng đơn vị hay hàng thập phân theo đúng đề bài. Trường hợp kết quả là số quá 4 ký tự, rất có thể kết quả đó chưa chính xác, học sinh cần tính lại.
Ngoài các kỹ năng làm câu hỏi trắc nghiệm, học sinh cũng cần rèn kỹ năng quản lý thời gian làm bài. Với đề thi có nhiều dạng câu hỏi, học sinh nên luyện tập phân bổ thời gian: 1-1.5 phút cho câu hỏi nhiều phương án lựa chọn, 3-5 phút cho mỗi câu hỏi đúng sai và 2-3 phút cho mỗi câu hỏi trả lời ngắn.
Thời điểm hiện tại, học sinh đều đã được làm quen với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương cũng đã tổ chức thi khảo sát cho học sinh lớp 12. Đã đến lúc các em cần tập trung cao độ, ôn tập và rèn luyện liên tục, phân chia giai đoạn tổng hợp kiến thức và luyện đề. Các em học sinh hãy cố gắng giữ sức khỏe, vững tinh thần, cân đối thời gian cho từng môn học, tăng tốc và bứt phá trong giai đoạn quan trọng này.