Kinh đô thời loạn nhà Lê chỉ còn là phế tích

20/04/2024, 10:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tồn tại 50 năm, chứng kiến ba vua nhà Hậu Lê lên ngôi, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường giờ chỉ còn là những dấu tích nhạt phai, dần chìm vào quên lãng.

Kinh thành tồn tại nửa thế kỷ

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, hay còn gọi là kinh đô Nam triều, hiện thuộc địa phận 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây từng là kinh đô kháng chiến của nhà Lê thời Lê Trung Hưng gần 50 năm (1546-1593).

Những năm cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Năm Đinh Hợi 1527, lợi dụng tình hình đất nước rối ren, Mạc Đăng Dung - một trong những bề tôi của nhà Lê, uy hiếp, bức vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi.

Nhiều quan lại, tôn thất triều Lê nổi lên chống nhà Mạc nhằm khôi phục ngai vàng. An Thành hầu Nguyễn Kim bí mật sang vùng Sầm Châu của Ai Lao (tỉnh Hủa Phăn, Lào ngày nay) gây dựng căn cứ. Năm 1533, ông cử người về Thanh Hóa tìm con cháu dòng họ Lê là Lê Ninh đưa sang lập làm vua - tức vua Lê Trang Tông, giương cao ngọn cờ phù Lê diệt Mạc.

Năm 1540, Nguyễn Kim đem quân từ Ai Lao về nước đánh nhà Mạc, được nhiều hào kiệt theo giúp, thanh thế ngày một lẫy lừng. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) lên nắm giữ binh quyền, tiếp tục sự nghiệp trung hưng nhà Lê.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định, (giữa) khẳng định, kinh đô Vạn Lại có giá trị rất lớn về lịch sử.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định, (giữa) khẳng định, kinh đô Vạn Lại có giá trị rất lớn về lịch sử.

Một năm sau (1546), với tầm nhìn của một nhà quân sự tài năng, Trịnh Kiểm đã đón Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước, chọn sách Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa), nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - nơi giao thoa giữa đồng bằng và miền núi Thanh Hóa, lập hành điện.

Sách Việt sử Thông giám cương mục chép: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó”.

Một triều đình với đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc.

Với tài thao lược của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đánh đâu thắng đó. Đến năm Quý Tỵ (1593), nhà Lê đã đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Lê trở về kinh đô Thăng Long mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng.

Vạn Lại kết thúc sứ mệnh là kinh đô kháng chiến của nhà Lê. Trong thời gian tồn tại suốt 47 năm (1546 - 1593), trải qua 4 đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông), có lúc hành điện của nhà Lê phải chuyển đến phủ Yên Trường (cách Vạn Lại khoảng gần 5 km, nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), nhưng Vạn Lại luôn đóng vai trò quan trọng nhất.

Vạn Lại - kinh thành bị lãng quên

Sau khi băng hà, Lê Trang Tông và Lê Trung Tông đã chọn Vạn Lại làm nơi an nghỉ.

Năm 2021, nơi đây đã được cơ quan chức năng thăm dò, khai quật.
Năm 2021, nơi đây đã được cơ quan chức năng thăm dò, khai quật.

Mặc dù chỉ là kinh đô thời loạn, tại Vạn Lại - Yên Trường, nhà Lê đã tổ chức 7 khóa thi, tìm ra nhiều hiền tài giúp nước cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Trong đó, nổi bật có các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú... Tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện có 82 bia tiến sĩ, trong đó 7 bia ghi các tiến sĩ từng đỗ khoa thi ở Vạn Lại.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định, dù chỉ tồn tại gần 50 năm nhưng kinh đô Vạn Lại - Yên Trường có giá trị rất lớn về lịch sử.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy nơi từng đặt hành điện của nhà vua, cỏ cây um tùm, xen kẽ những cánh rừng cao su. Khảo sát kỹ hơn mới thấy được một vài phế tích là đôi linh vật voi, ngựa làm bằng đá xanh đứng chơ vơ nơi thềm điện xưa.

Tất cả điện miếu, lăng tẩm, hành cung xưa kia đã biến mất bởi thời gian. Những chứng tích khác như giếng mắt rồng, đàn tế Nam Giao, trường thi... hơn 500 năm trước bị cây cỏ bao quanh hoặc mọc lên các công trình nhà ở, trường học…

Hiện vật có được sau khi khai quật khảo cổ ở kinh đô Vạn Lại -Yên Trường lần thứ nhất năm 2021.
Hiện vật có được sau khi khai quật khảo cổ ở kinh đô Vạn Lại -Yên Trường lần thứ nhất năm 2021.

Quanh khu vực này vẫn còn những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá, bụi cây; trong khu dân cư thì sót lại những bức tượng, chân đế bằng đá xanh... Trong khi đó, thành lũy trước đây đã bị người dân san lấp làm lối đi.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, địa phương mong muốn sớm có quy hoạch để khoanh vùng, phục hồi, bảo tồn giá trị của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường. Để triển khai lập quy hoạch thì phải có các đợt nghiên cứu khảo cổ học.

Năm 2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các đơn vị có liên quan tiến hành công tác điều tra, thăm dò, khai quật di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường. Cuộc khảo cổ đã diễn ra trên tổng diện tích 294m2. Kết quả khảo cổ bước đầu cho thấy đây chính là "kinh đô" thực sự của chính quyền Nam triều trong suốt gần nửa thế kỷ .

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh đô thời loạn nhà Lê chỉ còn là phế tích