Ngoài ra, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q3 và Q.Tân Bình), đường Ba Tháng Hai (Q10 và Q11) hoặc nhiều đường lớn ở vùng ven như các quận Gò Vấp, Bình Tân... cũng có rất nhiều mặt bằng đang tìm khách thuê. Một đoạn đường ngắn tại P13, Q.Bình Thạnh mà có tới 10 mặt bằng đang treo biển cho thuê. Được biết, một số đường tại 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh được coi là khu vực kinh doanh rất ổn định của TPHCM nhờ dân cư đông đúc và sự đa dạng từ quán ăn, nhà hàng cho đến những sản phẩm, dịch vụ, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Hàng loạt cửa hàng với giá thuê từ 20 - 60 triệu đồng/tháng tại đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp đang bỏ trống. Theo quan sát của chúng tôi, nhà hàng, tiệm cà phê, cửa hàng thời trang, chi nhánh ngân hàng, thẩm mỹ viện... chiếm đa số trong "làn sóng" trả mặt bằng năm nay.
Nguyên nhân do đâu?
Lý giải xu hướng nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh suy giảm, một số chủ cửa hàng cho rằng do cuộc sống đang khó khăn nên người dân có xu hướng "thắt lưng buộc bụng", kiểm soát chi tiêu gắt gao hơn. Không chỉ giảm mua sắm những mặt hàng thời trang mà ngay cả ăn uống bên ngoài họ cũng cắt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh phải tính toán lại mọi khoản chi phí để duy trì hoạt động.
Cạnh đó, phần đông người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm online, nhất là qua các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng bán online đa dạng, người mua có thể lựa chọn, so sánh giá cả, mẫu mã chỉ bằng vài cú "click chuột". Nhiều sàn thương mại điện tử còn liên tục trợ giá, tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt, cung cấp cho khách hàng ưu đãi giảm giá vô cùng hấp dẫn... Và trên hết là mua hàng online giá rất rẻ.
Chính "làn sóng" kinh doanh online đã góp phần khiến nhu cầu thuê mặt bằng ở những vị trí đẹp giảm dần đi. Người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng rẻ hơn, kết hợp kinh doanh online để tồn tại trong "thời đại số". Hiện nay, rất nhiều người kinh doanh và doanh nghiệp đang chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ở đây, người bán có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp cả trong và ngoài nước, đồng thời tiết giảm khoản lớn chi phí thuê mặt bằng.
Mặt bằng treo biển cho thuê trên đường Nguyễn Thị Thập (Q7)
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 nhưng kinh doanh online của nước ta vẫn đạt con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, lên đến 30% mỗi năm (giai đoạn 2016 - 2020). Thị trường này cũng đón chào thêm 40% khách hàng mới lần đầu mua sắm trực tuyến và doanh thu vượt 15 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2022, số lượng người Việt Nam mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Ngoài ra, các kênh bán hàng online trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok Shop..., với hình thức bán hàng nổi bật như livestream và tiếp thị liên kết (affiliate marketing) mang đến hệ sinh thái toàn diện. Điều này giúp nhiều thương hiệu, doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các nhà sáng tạo nội dung để tìm ra hướng đi phù hợp, cải thiện kết quả kinh doanh, tạo cơ hội tăng trưởng. Cộng đồng nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung có sự mở rộng về quy mô, đang định hình xu hướng phát triển mới với mức tăng trưởng lần lượt là 210% và 330%.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhưng số nhà bán hàng trên thị trường online đã tăng gấp đôi và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Những con số này chứng tỏ việc kinh doanh online là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi, phát triển. Cộng hưởng với điều đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn liên tục ra đời cũng dẫn đến hiện tượng mặt bằng bị trả lại càng nhiều.
Nhiều mặt bằng kinh doanh trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4) đang bỏ trống
Tuy nhiên, khi mua sắm online ngày càng bùng nổ sẽ phát sinh những hệ lụy đáng lo ngại, như: tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dễ xảy ra thất thu ngân sách nhà nước khi người kinh doanh cố ý trốn thuế... Thực tế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chế tài không mạnh đối với những hành vi vi phạm thì không chỉ gây bất công bằng cho các nhóm kinh doanh mà còn làm triệt tiêu nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo dự báo của các chuyên gia, cần một khoảng thời gian để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TPHCM. Thiết nghĩ việc "tháo chạy", trả lại mặt bằng hàng loạt ở các vị trí mặt tiền kinh doanh từng "hốt bạc" một thời đang gióng hồi chuông cảnh báo: cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay.