Kinh nghiệm 'nằm lòng' cho học sinh thi tốt nghiệp THPT

Đức Trí | 04/07/2022, 11:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỳ thi tốt nghiệp THPT như dấu mốc đánh giá quá trình 12 năm học tập của học sinh và có tính quyết định đến việc lựa chọn nguyện vọng và nghề nghiệp sau này. Để chuẩn bị tâm thế làm bài tốt nhất, các thầy cô đã lưu ý quan trọng trước khi vào phòng thi.

Với tập làm văn, đềthi hiện nay không ra theo kiểu học thuộc nên học sinh cần có đủ kĩ năng để phân tích đề, lập ý, tìm ý đề, kĩ năng viết… Lưu ý đến kĩ năng trong quá trình làm bài và kĩ năng đọc hiểu...

Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, Trường THPT Văn Bàn số 1 Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) lưu ý học sinh để có kỹ năng làm bài tốt cần nhớ môn GDCD không giống như các môn khoa học học khác, nó xuất phát từ đời sống thực tế, những quy định của đạo đức, pháp luật từ các quan hệ cuộc sống mà ra. Chương trình GDCD có 90% lớp 12 các quy định của pháp luật, vì vậy khi học sinh là bài thi và lựa chọn đáp án cần đặt mình vào vị trí đáp án cần chọn để xem mình có được hưởng những quyền đó không, hoặc mình ở vị trí đó thì có chấp nhận được không. Như vậy mới có cơ hội tìm ra đáp án đúng.

Với câu hỏi nhận biết, thông hiểu (từ câu 81- 110), học sinh bắt buộc phải ghép câu hỏi của đề thi với đáp án mình chọn thành một câu hoàn chỉnh. Sau khi ghép lại nếu có nghĩa thì mới là đáp án đúng.

Với câu hỏi mang tính tình huống, đề cập tới nhiều nhân vật, hành vi: Ví dụ “Ai vừa được khiếu nại vừa được tố cáo” thì từ khóa của câu hỏi là “được”, học sinh cần đi tìm người bị hại vì chỉ họ mới được khiếu nại. Còn người gây hại, vi phạm pháp luật có thể bỏ qua. Với câu hỏi này cần tìm 2 hành vi, vừa được khiếu nại, vừa được tố cáo, do đó cần kẻ đôi giấy nháp để một bên ghi nhân vật được khiếu nại, một bên ghi nhân vật được tố cáo. Khi ghi xong nhìn lại 2 bên, nhân vật nào trùng thì mới đáp ứng được yêu cầu câu hỏi…

Đối với câu hỏi tìm nhân vật: “Ai vi phạm luật hôn nhân gia đình” từ khóa là “luật hôn nhân gia đình”. Mà hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng. Vậy nên người không liên quan mối quan hôn nhân thì có thể loại trừ và chỉ có thể là vợ hoặc chồng. Học sinh cần nắm chắc các từ khóa và với những câu hỏi ghép thì bắt buộc phải tìm được 2 tuyến nhân vật hoặc 2 tuyến hành vi thì mới đáp ứng được câu hỏi.

Cô Hạnh cũng lưu ý học sinh: Điều nhất thiết phải làm khi gặp câu hỏi phạm vi rộng “mọi công dân, mọi người, mọi đối tượng” đó là đặt mình vào vị trí của đáp án để xem có loại trừ hay không thì mới tìm được đáp án đúng. Với những câu hỏi về lựa chọn, mang tính đạo đức thì những đáp án phù hợp với hiện tại, xã hội đang chấp nhận thì mới có thể là đáp án đúng...

Ở môn Toán, thầy Lê Đức Thịnh, Tổ trưởng tổ Toán, Tin Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) cho rằng đã có cấu trúc rõ ràng từ dễ đến vận dụng, vận dụng cao. Như vậy với học sinh khi làm bài có thể xử lý nhanh phần nhận biết, thông hiểu trước để kiếm điểm tối đa sau đó nhanh chóng dành thời gian cho phần vận dụng để lấy điểm cao. Tuy vậy, các em cần làm thật chắc chắn phần nhận biết thống hiểu để lấy được điểm trọn vẹn sau đó mới dành thời gian cho vận dụng, vận dụng cao.

Lưu ý phần nhận biết, thông hiểu dễ kiếm điểm (đặc biệt với học sinh khối khoa học tự nhiên) nhưng cần tránh tình trạng tâm lý chủ quan “ đề bài dễ, quen thuộc, đã làm nhiều” từ đó không đọc kĩ đề dẫn đến những sơ sảy khi làm bài. Nên nhớ, trong các câu hỏi thi trắc nghiệm hay có những phương án “nhiễu”, đáp án tương đối giống nhau nên không được phép chủ quan đề dễ, đọc lướt, làm nhanh…

Để làm bài tốt, học sinh cần đọc đề kĩ, có tốc độ làm bài hợp lý (không quá nhanh), tập trung vào phần nhận biết, thông hiểu thật tốt để kiếm điểm 7 chắc chắn sau đó chuyển sang phần vận dụng. Như vậy, việc kiếm điểm sẽ chắc chắn hơn. Mặt khác, trong đề thi phần đầu luôn được bố trí là nhận biết, thông hiểu, nếu có đảo câu hỏi thì cũng chỉ đảo trong từng nhóm câu; Phần vận dụng, vận dụng cao vẫn nằm ở cuối, và cũng không từ trường hợp có sự sự đảo câu trong nhóm này.

Ở môn Tiếng Anh, thầy Đinh Đức Nhật, Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) lưu ý: Do đặc thù bộ môn, đề thi môn học này có nhiều nhóm các câu hỏi khác nhau nhằm kiểm tra kiến thức tổng thể về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm và các kỹ năng ngôn ngữ. Do đó học sinh có thể lựa chọn các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu ở từng nhóm câu hỏi để hoàn thành trước.

Các em cần lưu ý hai nhóm câu hỏi gây nhầm lẫn như phần tìm từ gần nghĩa và trái nghĩa, các em cần tập trung và đọc kỹ yêu cầu đề bài để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc. Riêng phần câu hỏi tìm từ trái nghĩa thường có một câu hỏi về nghĩa của một thành ngữ, đối với câu hỏi này mục đích kiểm tra tư duy suy luận. Do đó, nếu chưa gặp thành ngữ này các em cũng cần bình tĩnh dựa vào ngữ cảnh của câu suy luận nghĩa và đưa ra đáp án phù hợp nhất.

Đối với nhóm câu hỏi tìm lỗi sai, phần này có một câu hỏi khó về lỗi từ hay gây nhầm lẫn trong cách dùng, sau khi các em đã hoàn thành 2 câu hỏi mức độ dễ hơn thì câu còn lại các em có thể dịch nghĩa tổng thể của câu và chú ý vào các phần gạch chân. Nếu phần gạch chân nào ghép nghĩa với từ vựng đứng trước và sau nó mà thấy không hợp lý về nghĩa hoặc gây khó hiểu có thể cân nhắc để lựa chọn phương án đó.

Học sinh cần tận dụng thơi gian làm nhanh và quyết đoán các câu hỏi mức độ dễ để có nhiều thời gian hơn cho các bài đọc hiểu, điều này sẽ giúp cho các em hiểu sâu về nội dung các bài đọc hiểu hơn để có các câu trả lời chính xác hơn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-nam-long-cho-hoc-sinh-thi-tot-nghiep-thpt-post599485.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-nam-long-cho-hoc-sinh-thi-tot-nghiep-thpt-post599485.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm 'nằm lòng' cho học sinh thi tốt nghiệp THPT