Trong quá trình hoàn thành các chương học kỳ 2, học sinh nên học chắc để tránh phải vòng lại. Tầm cuối tháng 4, các em quay lại ôn tập 3 chương học kỳ 1; cuối tháng 4, đầu tháng 5 tập trung luyện đề.
Đối với học sinh có học lực trung bình, trung bình khá: Nếu điểm thi thử đạt từ 5-6 điểm, các em nên đặt mục tiêu 7 - 8 điểm để phấn đấu các trường tốp cận trên với điểm chuẩn dao động từ 17 - 20 điểm. Cách học theo hướng khắc phục vấn đề còn yếu (có thể tự tìm bài tập, luyện tập và so sánh đáp án). Ngoài ra nên làm thêm các vấn đề ở mức độ nâng cao, các vấn đề mới. Trong giai đoạn này, học sinh nên lựa chọn hình thức học là luyện hệ thống đề thi chuẩn mực và chất lượng.
Với những học sinh có học lực khá, giỏi, nên đặt mục tiêu 9 - 10 điểm để có động lực phấn đấu các trường tốp trên. Các em tìm các câu hỏi khó, lạ để rèn luyện thêm (các câu trong chương trình học). Các câu hỏi này thường nằm ở các chuyên đề Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều.
Học sinh cần lưu ý, để tăng từ 4 lên 7 điểm dễ hơn rất nhiều việc tăng từ 8 lên 9 hoặc từ 9 lên 10. Điểm 9, 10 yêu cầu sự chính xác, tốc độ làm bài nhanh. Vì thế, học sinh cần rèn luyện đề để rèn phản xạ tức thì; đồng thời nên tự xây dựng quy trình giải nhanh riêng cho bản thân hoặc các quy tắc nhớ riêng của bản thân.
Đưa thêm một số lưu ý chung trong quá trình ôn tập kiến thức, cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng: Học sinh phải hết sức tập trung vào những nội dung vừa sức và dễ lấy điểm dựa theo năng lực của mình.
Có các dạng bài tập trọng tâm, điển hình trong đề thi mà năm nào hầu như cũng có. Để rút ra những dạng bài này, học sinh có thể tham khảo phân tích cấu trúc đề thi đại học môn Vật lí trong những năm gần đây. Tránh học những nội dung đã giảm tải để tiết kiệm thời gian.