Kiên trì và huy động sức mạnh phối hợp
Duy trì tốt sĩ số học sinh là vấn đề hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh vùng sâu, vùng xa thường tự ý nghỉ học, bỏ tiết, đặc biệt là học sinh yếu kém. Do vậy, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên tổng phụ trách đội cần phối kết hợp với Hội cha mẹ học sinh để vận động các em đến trường.
Phối hợp chặt chẽ với các phong trào, hoạt động; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với Hội phụ huynh của nhà trường; sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, theo cô Vi Thị Ỏn, chính là giải pháp quan trọng nhất để giữ vững sĩ số học sinh.
Để làm được điều trên, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp phải là người có uy tín, toàn diện, có năng lực thực sự, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đầu tư để có giờ dạy thu hút học sinh, giáo viên chủ nhiệm cần hiểu rõ về học sinh của mình, từ hoàn cảnh đến tính cách, tâm lý, để giúp đỡ, động viên các em. Thuyết phục được các em ở lại bán trú để đảm bảo sức khỏe và thời gian học tập cũng là một thành công trong công tác vận động.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần nhẹ nhàng, không gay gắt, thúc giục khi nhiệm vụ chưa hoàn thành; luôn có những lời động viên, khích lệ, ghi nhận sự cố gắng hay tiến bộ của học sinh). Thầy cô lên lớp không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn gieo cho các em niềm tin, nghị lực, lẽ sống và ước mơ.
Không chỉ thế, mỗi thầy giáo, cô giáo phải thật gắn bó với địa bàn, trở thành người thân trong các gia đình người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhà trường kết hợp với ban quản lý bản tuyên truyền để các bậc phụ huynh học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, không bắt con em đi làm công ty khi chưa đủ tuổi lao động, giúp phụ huynh hiểu cản trở việc học hành của con em là vi phạm pháp luật.
“Ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp giảng bài, các thầy giáo, cô giáo phải dành nhiều thời gian đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Việc trèo đèo, lội suối đến từng bản, vận động các em tới lớp của giáo viên là “chuyện thường ngày ở trường”. Công tác vận động học sinh đến lớp không phải ngày một ngày hai; do đó đòi hỏi thầy cô sự kiên trì, không được nản và phải tranh thủ được sự ủng hộ từ các ban ngành đoàn thể của nhà trường, địa phương”, cô Vi Thị Ỏn cho hay.
Để công tác vận động và duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần phải có tâm đối với mọi học sinh, phải hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em ham thích học tập, yêu mến thầy cô, mến bạn. Việc chống lưu ban, bỏ học là nhằm nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ cho học sinh miền núi, góp phần nâng cao dân trí.
Cô Vi Thị Ỏn