Kinh tế TPHCM nửa đầu năm 2024 ghi nhận đà hồi phục nhưng ở mức chậm và chưa vững chắc.
Tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công đối mặt nhiều thách thức, trong khi doanh nghiệp gặp khó về tín dụng và mở rộng sản xuất.
Theo báo cáo “Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức” do Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê TPHCM mới phát hành, kinh tế TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) nửa đầu năm tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng cầu đối với hàng hóa và sản xuất dịch vụ đang tiếp đà hồi phục ổn định nhưng vẫn ở dưới mức tiềm năng. Trong nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 558 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc thêm yếu tố lạm phát, con số này không cao so với tổng mức bán lẻ hàng hóa trong sáu tháng đầu năm của các năm thuộc giai đoạn 2019 - 2021.
“Điều này cho thấy tiêu dùng trên địa bàn TPHCM vẫn đang hồi phục tương đối chậm so với xu hướng trước đại dịch Covid-19, phản ánh tâm lý tiết kiệm phòng ngừa của người dân khi đối mặt với môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro và bất định”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Tại toạ đàm “Kinh tế TPHCM phục hồi và thách thức” (tổ chức chiều 29/7), TS Hồ Hoàng Anh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, sự phục hồi trong tổng cầu hàng hóa và dịch vụ cũng đến từ tăng trưởng trong xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của TPHCM trong nửa đầu năm ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, con số này cũng được TS Hồ Hoàng Anh đánh giá “không phải là cao” so với giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm của các năm trước đại dịch. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chưa thực sự tận dụng được sự thuận lợi đến từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ”, chuyên gia này nêu ý kiến.
Đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng hồi phục chậm so với cả nước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư công cũng được giải ngân khá chậm, chỉ đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29% so với năm ngoái và chỉ đạt 13,8% kế hoạch được giao.
“Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khiêm tốn của khu vực xây dựng”, theo báo cáo.
Khu vực xây dựng trong quý II-2024 chỉ tăng trưởng 4,1%, mặc dù mức nền so sánh của khu vực này ở quý II-2023 là rất thấp, chỉ ở mức -1,68%.
Bức tranh về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn cũng không mấy sáng sủa khi các doanh nghiệp thành lập có quy mô tương đối nhỏ so với các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh.
Trong các doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp cổ phần chỉ chiếm 7,8%, trách nhiệm hữu hạn (TNHH) trên một thành viên chiếm 17% và doanh nghiệp TNHH một thành viên chiếm tới gần 75%.
Ngược lại, với doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, số doanh nghiệp cổ phần chiếm gần 13%, doanh nghiệp TNHH trên một thành viên chiếm trên 30%, trong khi doanh nghiệp TNHH một thành viên chỉ chiếm gần 55%.
Cũng theo báo cáo “Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức”, có 3 nguyên nhân có thể giải thích cho tình hình khó khăn của doanh nghiệp tại TPHCM. Nguyên nhân đầu tiên do nhu cầu của thị trường còn phục hồi chậm, trong khi doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội đến từ thị trường xuất khẩu. Điều này kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro khiến doanh nghiệp nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất.
Nguyên nhân thứ hai đến từ tình hình nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều tài sản cầm cố sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cuối cùng, chính các ngân hàng cũng gặp khó trong việc huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp. Trong khi đó, các đợt tăng giá vàng đột biến khiến một lượng tiền lớn đang chảy vào đầu cơ vàng.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, đánh giá triển vọng kinh tế TPHCM 6 tháng cuối 2024 phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục nhận được lực kéo thuận lợi từ Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hai nền kinh tế này đều có những khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách chắc chắn. Vì thế rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu.
Về xu hướng tiêu dùng, ông Hoàng cho rằng TPHCM đang nhỉnh hơn mặt bằng chung cả nước nhưng tốc độ hồi phục chỉ mang tính tiệm tiến do tâm lý phòng ngừa của người dân trước những rủi ro và bất định của nền kinh tế. “Tiêu dùng nhìn chung phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của người dân về nền kinh tế và thu nhập trong tương lai ”, ông Hoàng nhận định.
Đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là điểm nóng cần tập trung theo dõi trong nửa cuối năm. Tăng trưởng đầu tư trên địa bàn đang thấp hơn so với cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và lãi suất cho vay tăng lên, các doanh nghiệp nội địa có khả năng gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm.
Để có thể đạt mức tăng trưởng 7 - 7,5% trong cả năm 2024, nhóm nghiên cứu cho rằng TPHCM phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng.
Thành phố có thể kết nối các chương trình này với các sự kiện thể thao, văn hóa để tăng hiệu ứng lan toả. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu được tổ chức hiệu quả, các chương trình này sẽ là một cách hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp.
TPHCM cũng cần tăng cường kết nối với các địa phương lân cận để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới các thị trường này và ngược lại. Thành phố cũng cần tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí thời gian của người dân, doanh nghiệp trong đăng ký đầu tư sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu báo cáo “Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức” cho rằng, TPHCM phải nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ. TPHCM cũng có thể tận dụng thời cơ này để mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ và Trung Quốc.
TPHCM cần nỗ lực hết sức để giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. “Bên cạnh việc đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài”, báo cáo nhấn mạnh.