KOL, KOC, sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa; nếu vi phạm mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng...
Tại tọa đàm “Thông tin minh bạch trong giao dịch trên không gian mạng”, ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng năm 2023 đã quy định rất cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, chân thật cho người tiêu dùng về: Sản phẩm, hàng hóa, tổ chức, cá nhân kinh doanh và các đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh đó. Và phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng.
Ông Phan Thế Thắng thông tin thêm, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55/2024 ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ cho người có ảnh hưởng (KOL, KOC) cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, thì KOL, KOC sẽ được coi như bên thứ ba cung cấp thông tin và họ sẽ phải thực hiện các trách nhiệm giống như bên thứ ba.
KOL sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ. Đồng thời có trách nhiệm yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh cung cấp các thông tin, phương tiện và tài liệu để xác minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
Ngoài ra, luật cũng quy định một trách nhiệm mới và rất quan trọng, đó là KOL phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin cho người dùng.
Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, tương tự như KOL, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ cho KOL tiến hành cung cấp thông tin thì nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc tài trợ cho KOL để tiến hành thực hiện việc xúc tiến thương mại, tiến hành quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra một quy định là nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lừa dối, gây nhầm lẫn người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác đối với các nội dung về sản phẩm, hàng hóa, về tổ chức, cá nhân kinh doanh và cũng như các đánh giá của người sử dụng đối với sản phẩm, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thùy Linh - Chủ tịch APG ECO cho rằng, KOC nên cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm một cách minh bạch và rõ ràng. Đặc biệt, trong quá trình đánh giá về sản phẩm với vai trò của KOC, nên đánh giá một cách khách quan, xác minh thông tin về sản phẩm trước khi đánh giá.
Ngoài ra, khi hợp tác với các nhãn hàng, KOC nên minh bạch và công khai rõ ràng về việc hợp tác quảng cáo để tránh việc quảng cáo ẩn ý gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Chị Lê Hà Quyên, phụ trách marketing của một thương hiệu gia dụng chia sẻ, chỉ sau một đoạn clip ngắn chưa đầy 20 giây, những sản phẩm của công ty chị lập tức “cháy hàng” trên các sàn thương mại điện tử. Người đứng sau hiệu ứng đó không ai khác là một KOL chuyên giới thiệu về đồ gia dụng, với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.
Những thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp và người nổi tiếng đang trở thành “công thức vàng” để tiếp cận thị trường trong thời đại người tiêu dùng tin... người ảnh hưởng hơn cả thương hiệu. Từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng cho đến bảo hiểm, ngân hàng… gần như không ngành hàng nào đứng ngoài làn sóng.
Chính nhờ sự thu hút của các KOC, các nhãn hàng giờ đây đã có thể nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chị Quyên, ở góc độ người có tầm ảnh hưởng, trước khi nhận quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào họ cũng phải có trách nhiệm về vấn đề khiếu nại của khách hàng, lắng nghe những đánh giá tiêu cực để hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ khiếu nại của khách hàng và hỗ trợ khách hàng giải quyết một cách thỏa đáng.
Một vấn đề quan trọng nữa, theo chị Quyên, trong quá trình KOC nhận những sản phẩm để đánh giá, cần lưu ý về những quy định pháp lý trong quảng cáo, chỉ được phép đánh giá những sản phẩm được lưu hành tại Việt Nam và được phép kinh doanh, tránh đánh giá những sản phẩm hoặc dịch vụ đang bị cấm và sản phẩm phải có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử Nguyễn Minh Châu nhìn nhận, sự phát triển nhanh chóng của hình thức tiếp thị qua người có ảnh hưởng đặt ra yêu cầu cấp thiết về trách nhiệm minh bạch và trung thực trong truyền thông thương mại.
Theo vị chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cùng với Nghị định 55 đã thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, xác lập đầy đủ trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo, tiếp thị thông qua người có ảnh hưởng.
“Tuân thủ pháp luật không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là nền tảng để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, nơi niềm tin của người tiêu dùng không bị đánh đổi bởi những nội dung tiếp thị thiếu kiểm soát”, chuyên gia Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường hoạt động giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn từ phía người có ảnh hưởng, nhằm bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì trật tự, kỷ cương trên thị trường thương mại điện tử đang ngày càng phát triển.
Vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là một minh chứng cụ thể cho thấy sự tăng cường giám sát và trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động quảng cáo của KOLs, KOCs, một bước đi cần thiết để xây dựng môi trường mua sắm trực tuyến lành mạnh và đáng tin cậy.