Trước tiên là vấn đề giá cả của mặt hàng mỹ phẩm. Có thể khẳng định rằng, những sản phẩm mỹ phẩm có giá quá rẻ so với giá của nhà sản xuất thường là hàng giả, hàng nhái. Bởi ngay cả khi các cơ sở kinh doanh có giảm giá sâu, có mức chiết khấu tới 50-70% giá bán so với sản phẩm chính hãng, thì đó cũng rất có thể là hàng giả hoặc hàng cận date.
Nếu nghi ngờ sản phẩm đến tay là hàng giả, người tiêu dùng có thể phản ánh với dịch vụ khách hàng của thương hiệu. Căn cứ vào các số liệu ghi trên nhãn, dịch vụ chăm sóc khách hàng nhà sản xuất có thể xác định đúng sản phẩm là thật hay giả.
Bên chăm sóc khách hàng của nhãn hàng cũng có thể yêu cầu khách hàng gửi cho họ món hàng nhái vừa mua phải để kiểm định sản phẩm, từ đó có cảnh báo cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng có thể tự kiểm chứng món hàng mỹ phẩm muốn sở hữu bằng cách so sánh với thông tin chi tiết của sản phẩm đồng loại trên trang web chính thức của nhà sản xuất.
Nếu mua hàng mỹ phẩm qua các sàn thương mại điện tử mà gặp phải hàng giả, người tiêu dùng có thể khiếu nại với bên dịch vụ khách hàng để đơn vị này rà soát, điều tra về nhà cung cấp dịch vụ, từ đó rất có thể người mua sẽ được hoàn lại tiền.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sử dụng phương pháp xác thực sản phẩm chính hãng bằng công nghệ chống hàng giả. Thông thường các giải pháp chống hàng giả bằng công nghệ cao sẽ được in dưới dạng tem chống hàng giả hoặc in trực tiếp lên bao bì sản phẩm.
Các lớp chống giả có thể bao gồm một hoặc nhiều công nghệ như truy xuất nguồn gốc QR Code, công nghệ SMS, công nghệ nước, công nghệ 5S,.. Tất nhiên, người tiêu dùng vẫn là chủ thể trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm nên cần phải tự mình trang bị kiến thức thực tế phân biệt hàng giả, hàng thật.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, mỹ phẩm giả thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, đưa vào Việt Nam dưới “mác” hàng xách tay.
Mỹ phẩm giả thường có mũi thơm hơn hàng thật, chi tiết nhãn mác không nhất quán, hình dáng và chất liệu sản phẩm kém chất lượng, hiệu quả kém khi sử dụng.
Ngay cả khi mua trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng, đại lý, người tiêu dùng cũng cần thận trọng vì người bán hàng có thể trà trộn hàng thật, hàng giả do lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả rất lớn.
Do đó, dù có phải trải qua những đợt nộp phạt vi phạm hành chính do bị phát hiệu kinh doanh hàng giả, người bán vẫn có thể tiếp tục tái diễn hành vi mua bán sản phẩm giả.
Người tiêu dùng không nên ham rẻ, sính ngoại giá rẻ và tin vào “hiệu quả tức thì” của sản phẩm để mua về sử dụng mỹ phẩm giả. Hậu quả của việc làm này, có thể là một hành trình “chữa bệnh” tốn kém tại các Bệnh viện chuyên khoa.
(Còn tiếp)