Giáo dục

Kỳ khảo sát PISA đầu tiên trên máy tính: Triển khai nghiêm túc, trách nhiệm

10/04/2025 10:04

Năm 2025, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) trên máy tính phạm vi toàn quốc.

Thời điểm này, các nhà trường được lựa chọn đã và đang chuẩn bị với quyết tâm thực hiện khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm kỳ khảo sát từ 15 đến 29/4.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực

Ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin: Dựa trên việc triển khai thành công PISA từ năm 2012, đặc biệt là khảo sát thử nghiệm thành công trên máy tính năm 2024 tại Việt Nam (31 trường với trên 600 học sinh tại 9 tỉnh, thành phố), năm 2025, Việt Nam thực hiện khảo sát trên máy tính tại 60/63 tỉnh, thành phố, ở 195 trường với 7.200 học sinh tham gia.

Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.

Theo đó, học sinh được đánh giá năng lực giải quyết vấn đề tính toán và học tập tự điều chỉnh/thích ứng. Kết quả đánh giá năng lực học tập trong thế giới số cung cấp số liệu so sánh về các vấn đề mà học sinh có thể giải quyết bằng công cụ kỹ thuật số; mức độ học sinh có thể sử dụng tài nguyên học tập; động lực giúp các em tiến bộ thông qua các nhiệm vụ thuộc năng lực học tập trong thế giới số.

Năm 2025, Bến Tre có 5 trường tham gia khảo sát PISA gồm: THPT Phan Liêm, THPT Phan Ngọc Tòng, THCS Bình Thạnh, THCS Lê Hồng và Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành.

Thầy Bùi Tuấn Kiệt - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Liêm cho biết, đến nay mọi công tác chuẩn bị thuận lợi. Nhà trường đã cung cấp chính xác số lượng học sinh tuổi 15, có ngày sinh trong khoảng 1/1/2009 đến 31/12/2009 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho triển khai đánh giá PISA trên máy tính cũng được chuẩn bị tốt.

Trong đó, nhà trường lưu ý bảo đảm chất lượng đường truyền Internet; cung cấp điện vào thời điểm khảo sát chính thức; bảo đảm đủ số lượng máy tính đáp ứng các yêu cầu về cấu hình, hệ điều hành, trình duyệt và được công cụ School Readiness Tool (SRT) xác nhận đáp ứng yêu cầu.

Cùng với cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, nhà trường cũng triển khai sinh hoạt trong Hội đồng giáo viên một số nội dung có liên quan đến đợt khảo sát PISA năm 2025; gửi tài liệu tham khảo cho giáo viên chủ nhiệm và học sinh về khảo sát PISA.

Vĩnh Long có duy nhất cơ sở giáo dục tham gia PISA chu kỳ này là Trường THPT Lưu Văn Liệt. Theo cô Hiệu trưởng Phan Hoàng Tú Nga, chuẩn bị cho hoạt động này, nhà trường đã phủ wifi cho học sinh thuận tiện truy cập; các phòng học đều trang bị tivi; phòng máy vi tính được bảo trì, nâng cấp. Trong đó, 48 máy tính đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đã sẵn sàng (42 máy tính để học sinh hoàn thành bài khảo sát và 6 máy tính dự phòng).

Phú Thọ có 3 trường THPT tham gia đánh giá PISA 2025 gồm: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quế Lâm và Thanh Sơn. Chia sẻ của thầy Bùi Vĩnh Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Sơn, chuẩn bị cho hoạt động này, nhà trường chủ động thực hiện một số nội dung quan trọng: Cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về đánh giá PISA để tiếp thu các nội dung về triển khai tại đơn vị; rà soát, đảm bảo cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin (hệ thống máy tính, đường truyền Internet ổn định), sẵn sàng phục vụ cho việc khảo sát trên máy.

Nhà trường cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, giáo viên, học sinh về ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của kỳ khảo sát nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận. Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tập trung phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, đọc hiểu, năng lực khoa học cho học sinh - những năng lực cốt lõi được đánh giá trong kỳ PISA.

ky-khao-sat-pisa-dau-tien-tren-may-tinh-2.jpg
Phòng máy Trường THPT Thanh Sơn (Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Quyết tâm thực hiện

Trong quá trình chuẩn bị tham gia PISA 2025 tại Trường THPT Thanh Sơn, thầy Bùi Vĩnh Tuy cho biết có một số khó khăn. Theo đó, dù đã quan tâm đầu tư nhưng số lượng máy tính đạt chuẩn chưa thực sự nhiều, không đồng đều giữa các phòng máy.

Một số học sinh vùng nông thôn điều kiện kinh tế khó khăn, ít có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với máy tính (chỉ được tiếp xúc với máy tính khi học ở trường) nên làm bài khảo sát trên máy có thể còn bỡ ngỡ.

Để khắc phục, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức khảo sát hợp lý, sắp xếp học sinh theo ca, đảm bảo mỗi em có điều kiện làm bài thuận lợi. Đồng thời, tổ chức cho học sinh làm quen với phần mềm, giao diện và hình thức bài khảo sát thử nghiệm trên máy tính để giảm áp lực, tăng sự tự tin khi tham gia chính thức.

Về lâu dài, nhà trường kiến nghị các cấp quản lý tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt trang thiết bị công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên, học sinh để nâng cao hiệu quả triển khai PISA.

Khẳng định quyết tâm thực hiện khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh khuyến khích học sinh và các đối tượng liên quan tham gia khảo sát chính thức PISA 2025 với tâm thế nghiêm túc, tự tin, trách nhiệm, nhằm có thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực về GDPT Việt Nam.

Riêng Cục Quản lý chất lượng đã và đang tích cực, kỹ lưỡng chuẩn bị thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. Từ 31/3 - 10/4/2025, Cục tổ chức tập huấn khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên của 60/63 tỉnh, thành phố.

Ông Phạm Quốc Khánh lưu ý địa phương chỉ đạo các trường chuẩn bị kỹ thuật (máy tính đủ cấu hình, đường truyền mạng, điện trong ngày khảo sát). Đặc biệt, cần quan tâm thông tin đầy đủ, cụ thể nội dung chuyên môn và mẫu đề khảo sát tới giáo viên, học sinh; bảo đảm học sinh tham gia với ý thức, quyết tâm cao nhất trong bối cảnh kết quả khảo sát không tính điểm như thi, kiểm tra. Các sở GD&ĐT, nhà trường và những người tham gia tổ chức cần bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình, hướng dẫn của OECD và Bộ GD&ĐT.

Triển khai Chương trình PISA cũng như các chương trình đánh giá diện rộng quốc gia khác thể hiện sự quyết tâm và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Theo đó, Việt Nam thực hiện đánh giá chất lượng GD-ĐT ở cấp độ quốc gia, địa phương, từng cơ sở giáo dục và đánh giá theo chương trình của quốc tế làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng GD-ĐT.

Mục tiêu nhằm định kỳ cung cấp thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng GDPT; làm cơ sở đề xuất chính sách, giải pháp đổi mới các hoạt động dạy và học, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT, nâng cao chất lượng GDPT và hội nhập quốc tế.

- Ông Phạm Quốc Khánh

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ky-khao-sat-pisa-dau-tien-tren-may-tinh-trien-khai-nghiem-tuc-trach-nhiem-post726343.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ky-khao-sat-pisa-dau-tien-tren-may-tinh-trien-khai-nghiem-tuc-trach-nhiem-post726343.html
Bài liên quan
Sẵn sàng cho kỳ khảo sát PISA đầu tiên trên máy tính
Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, các trường được lựa chọn tham gia Chương trình PISA chu kỳ 2025 đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ khảo sát PISA đầu tiên trên máy tính: Triển khai nghiêm túc, trách nhiệm