Nếu được phát hiện và cứu vớt muộn: Nạn nhân đã bị uống và hít nhiều nước vào đường thở, nên thiếu ôxy nặng. Thường dãy dụa dưới mặt nước, sủi bọt lên mặt nước. Khi được cứu vớt lên bờ có các biểu hiện hoảng loạn, vật vã, thở nhanh, nông, miệng trào bọt hồng, toàn thân lạnh, da nhợt nhạt, tím, tim đập nhanh, yếu hoặc đập chậm, mạch nảy yếu khó bắt.
Cách xử trí: Để nằm sấp nghiêng đầu, ấn đẩy mạnh hai tay vào vùng thượng vị hoặc dốc ngược nhanh nạn nhân lên, nhưng không kéo dài quá 1 phút. Lau mũi, miệng, họng. Nếu nạn nhân thở yếu thì thổi ngạt miệng - miệng. Thay quần áo ướt bằng quần áo khô hoặc bọc phủ bằng khăn khô. Sau đó ủ ấm cho nạn nhân, xoa các loại dầu nóng sau đó chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất, trên đường vận chuyển phải tiếp tục hồi sức hô hấp (nếu cần) và theo dõi nhịp tim. Tuyệt đối không chữa theo mách bảo, kinh nghiệm.
Để phòng chống đuối nước người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, nước chảy xiết. Nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết); tại những vùng nguy hiểm phải có biển báo hoặc cử người túc trực để báo cho người dân biết các đoạn nguy hiểm.
Để phòng sét đánh, không trú mưa dưới gốc cây to.
Điện giật
Hệ thống điện ở một số nơi chằng chịt, mất an toàn, dễ bị đứt do gió lớn nên mưa bão dễ bị tai nạn này. Vì vậy, nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần xử trí như sau: Cần nhanh cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát. Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại. Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tai nạn điện giật: Người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực mình sinh sống; nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sửa chữa kịp thời. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện... ở nơi khô ráo, tiện sử dụng, cách sàn nhà 1,4m để tránh xa tầm tay trẻ em. Không cắm thẳng dây điện vào ổ điện mà phải dùng phích cắm. Không đứng nơi ẩm ướt để đóng cắt điện. Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người. Các thiết bị điện bị ngấm nước phải sấy khô mới được sử dụng.
Sơ cấp cứu gãy xương
Gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân. Vì vậy khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, người sơ cứu nên bình tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh. Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; cố định đúng kỹ thuật, bất động được các khớp trên và dưới chỗ gãy một khớp); dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da).
Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.