Giáo dục

Kỹ năng then chốt để thúc đẩy học tập suốt đời

14/05/2024 11:34

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, kỹ năng số là kỹ năng then chốt để thúc đẩy học tập suốt đời.

Vì sao kỹ năng số quan trọng?

Lý giải điều này, trong tham luận tại hội thảo quốc gia Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập do Trường ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức chiều 13/5, ông Trần Minh Tuấn cho biết:

Thứ nhất, có kỹ năng số, người học có thể tiếp cận kho tri thức khổng lồ trên Internet dễ dàng hơn. Internet là nguồn tài nguyên vô tận chứa đựng vô số thông tin và kiến thức về mọi lĩnh vực. Với kỹ năng số, mỗi người đều có thể truy cập Internet một cách an toàn, tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác.

Thứ hai, kỹ năng số giúp việc học giờ đây trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần máy tính có kết nối mạng, người học có thể sử dụng Internet và các thiết bị số để truy cập, đăng ký và học các khóa học trực tuyến mở đại trà (Massive Open Online Courses - MOOCs) cung cấp bởi các nền tảng, tổ chức khác nhau, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào.

Thứ ba, với kỹ năng số, mỗi người dân đều có thể chủ động kết nối với cộng đồng học tập. Người học có thể truy cập vào mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến để kết nối với những người có cùng mục tiêu học tập để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau. Điều này vừa giúp củng cố kiến thức, học hỏi những điều mới và quan trọng hơn, giúp họ tự nâng cao động lực trong suốt quá trình tự học.

Nhìn chung, kỹ năng số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, bằng cách cung cấp cho mọi người công cụ và cơ hội để tiếp cận tri thức trên môi trường số.

Như vậy, cùng với các kỹ năng khác như đọc, viết, nghiên cứu, kỹ năng số cho phép người học chủ động học tập, tự trau dồi kiến thức, tự tổ chức chương trình học tập và có thể tự học một cách hiệu quả, linh hoạt suốt đời. Đây cũng chính là tiêu chí mà một xã hội học tập với những công dân học tập suốt đời hướng tới.

Ở chiều ngược lại, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, xã hội học tập cũng đang tạo môi trường để việc phổ cập kỹ năng số đến người dân dễ dàng và thuận tiện hơn.

Xây dựng một xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời kéo theo sự phát triển của giáo dục mở với các tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER) và các khóa học trực tuyến mở. Điều này mở ra cơ hội để người học tiếp cận dễ dàng các học liệu và khóa học về đào tạo kỹ năng số.

Thay vì phải tổ chức các lớp đào tạo trực tiếp với thời gian và địa điểm cố định, tốn nhiều chi phí vận hành như trước đây thì bây giờ, hệ thống đào tạo từ xa và MOOC đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, đưa các khóa học về kỹ năng số cơ bản và nâng cao tiếp cận được đông đảo người dân hơn.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những người thuộc nhóm yếu thế, người cao tuổi, người dân ở vùng sâu, vùng xa… khi họ có thể được trang bị kiến thức về kỹ năng số hơn để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Phổ cập, nâng cao kỹ năng số: Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết

Phổ cập và nâng cao kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhấn mạnh điều này, theo ông Trần Minh Tuấn, nhân lực là nguồn gốc của mọi sự phát triển cũng như sự tụt hậu. Với lực lượng lao động có quy mô lớn vào khoảng 55 triệu người, nếu Việt Nam có thể nhanh chóng đào tạo chuyển đổi, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động này thì sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, không chỉ đáp ứng đủ nhân lực cho Việt Nam mà Việt Nam còn có thể cung cấp nhân lực số cho khu vực và thế giới.

Nếu Việt Nam không nhanh chóng làm được điều này, thì ngược lại, sẽ là sức ép to lớn, không chỉ cho sự phát triển của đất nước, mà còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội tiềm ẩn đáng lo ngại.

Giải pháp đặt ra là nhanh chóng triển khai thí điểm đại học số để đào tạo chuyển đổi, đào tạo lại, đào tạo văn bằng hai về công nghệ số cho lực lượng lao động.

Tại quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022 về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nhân lực số là:

“Xây dựng quy định cho phép chuyển đổi một số văn bản, chứng chỉ công nghệ thông tin cấp bởi tổ chức, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước sang tín chỉ học của bộ môn tương ứng để rút ngắn thời gian đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng”.

Hiện nay nhiều trường đại học đang triển khai chuyển đổi một số chứng chỉ công nghệ thông tin, đào tạo ngoại ngữ... nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác đào tạo.

Bên cạnh đó, cần triển khai nền tảng đào tạo kỹ năng số trực tuyến và có chính sách khuyến khích phổ cập kỹ năng số toàn dân.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai một số hoạt động để phổ cập, nâng cao kỹ năng số cho người dân như: Triển khai Mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) rộng rãi trên toàn quốc; Hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo, sát hạch kỹ năng số cơ bản cho người dân…”.

UNESCO chia kỹ năng số thành hai cấp độ: cơ bản và nâng cao. Trong đó, kỹ năng số cơ bản là kỹ năng sử dụng các thiết bị số và ứng dụng online cơ bản để thực hiện các tác vụ đơn giản. Kỹ năng này được coi là thành phần thiết yếu của việc biết chữ trong thời đại công nghệ số, sánh ngang với kỹ năng đọc, viết và tính toán truyền thống.

Kỹ năng số nâng cao là khả năng sử dụng công nghệ số một cách chuyên sâu và sáng tạo, ví dụ như các ngành, nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ năng then chốt để thúc đẩy học tập suốt đời