Văn hóa

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024): Đường… xanh

07/05/2024 06:31

Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam”, tám chữ này đã đủ sức ngân vang như một giai điệu đẹp trong âm nhạc.

Dù đã thuộc đội hình “U80”, nhưng khi nhận lời làm khách mời của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tham gia chuyến hành hương xuyên Tây Bắc về với Điện Biên Phủ, hành trình bằng ô tô, rong ruổi giữa núi rừng hùng vĩ, tôi không từ nan. Trái lại còn vui mừng, phấn khởi và tự hào trong im lặng chuẩn bị tinh thần và nghị lực cao, sức khỏe tốt để “xê dịch” trong một không gian, thời gian đặc biệt, tôi gọi là không gian - thời gian xanh.

Trước giờ xuất hành, trong óc tôi đã chuẩn bị ý tứ cho một bài viết thể bút ký. Khởi viết bài này, lại thêm một kỷ niệm với tôi, đã trở thành động lực gắn với ba chữ ĐIỆN BIÊN PHỦ. Số là, vào tháng 11/2019, nhận lời mời của Hội Nhà văn Á - Phi - Mĩ La tinh, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử một đoàn tham dự Hội thảo Quốc tế, tổ chức tại thành phố Islamabad (Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan), với chủ đề “Điểm gặp thẩm mĩ giữa hiện tại và truyền thống” có sự tham gia của 11 đoàn đến từ các châu lục khác nhau.

Ngay trong buổi đầu tiếp xúc, ở hành lang hội nghị khi bạn bè quốc tế hỏi “Các bạn đến từ đâu?”, vì được chuẩn bị kĩ từ trước, chúng tôi giương cao lá cờ đỏ sao vàng và nói bằng tiếng Việt “VIỆT NAM - HỒ CHÍ MINH - ĐIỆN BIÊN PHỦ - VÕ NGUYÊN GIÁP”. Những nụ cười và những bàn tay nắm chặt. Vậy là, ngay lập tức thông hiểu, thấu cảm, thịnh tình, hữu ái nhân loại như một thước đo của văn hóa tương lai.

Cuộc hành hương lần này của chúng tôi do PGS. TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dẫn đầu với chủ đề “Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên”, nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); gắn kết với những con số biết nói: Đoàn gồm 70 văn nghệ sĩ thuộc 10 hội đồng chuyên môn của Liên hiệp và đại biểu của 63 hội VHNT địa phương trên cả nước.

Chuyến hành hương trọn 7 ngày (từ 15 - 21/4/2024) với nhiều hoạt động quan trọng: Báo cáo với Bác Hồ nhiệm vụ và làm lễ xuất quân tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các điểm di tích trên hành trình lên với Điện Biên và giao lưu với Trường Tiểu học Him Lam (TP Điện Biên Phủ) - một địa chỉ văn hóa khi có đến 35 em học sinh tham gia Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” do Thời báo VHNT tổ chức, hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của VHNT”...

Thành viên cao tuổi nhất của đoàn công tác là nhà báo Đỗ Quảng (tuổi 85), nguyên phóng viên đặc biệt của báo Nhân Dân. Mặc dù tuổi cao sức khỏe hạn chế nhưng ông đã đồng hành cùng đoàn với niềm hưng phấn say mê và câu nói đầu cửa miệng “Sau chuyến đi này có... chết cũng cam lòng!”.

Từ cội... xanh đến đường... xanh như là đại lộ trực chỉ hướng hành hương của Đoàn văn nghệ sĩ. Điểm xuất phát của Đoàn công tác, tôi gọi là “cội xanh”. Có cội xanh sẽ có đường... xanh, như một định lí/ tiên đề trong toán học vậy. Thêm nữa, hai hoạt động này có ý nghĩa “ôn cố tri tân”, nhằm để neo giữ kí ức lương thiện cho nhiều thế hệ mai sau xứng đáng là “hậu sinh khả úy”.

Tham quan di tích đèo Pha Đin. Ảnh: NVCC
Tham quan di tích đèo Pha Đin. Ảnh: NVCC

Nói cuộc hành hương về nguồn đi từ cội xanh trên đường xanh và xuyên xanh hàm cả hai nghĩa chính xác và tượng trưng. Chặng đường cả đi, về ngót 1.000 cây số, luôn xuyên qua màu xanh của núi rừng Tây Bắc, từ Hòa Bình “cửa ngõ Tây Bắc” đến “Sơn La huyền ảo” với nhà tù Sơn La và cây đào Tô Hiệu luôn đỏ rực như máu của các anh hùng liệt sĩ, lên tới “Điện Biên vời vợi nghìn trùng” mãi xứng đáng “Trên đất nước như huân chương trên ngực” (Tố Hữu). Khi trở về, Đoàn dừng lại chiêm bái Tượng đài Tây Tiến, lại bâng khuâng và ngậm ngùi, không hẹn mà gặp nhiều người ngân nga câu thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

(...) Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Đoàn quân Tây Tiến năm xưa “xanh màu lá” vì sốt rét rừng, nhưng vượt lên bệnh tật các anh đã trực chỉ phía trước tiến lên, nên “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

Điện Biên Phủ hôm nay đẹp vì lưu dấu ấn của kỳ tích lịch sử thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng càng đẹp hơn vì màu xanh ngút ngàn của một thành phố hòa bình (xanh - sạch - đẹp), một địa chỉ du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái - khám phá trải nghiệm tuyệt vời.

Những di tích tầm cỡ quốc gia trên chặng đường hành hương đều xuyên qua màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Ai đó bình luận chí lí rằng, thế kỷ 20 thế trận của dân tộc, đất nước là từ núi, từ màu xanh, cội xanh của núi rừng; sang thế kỉ 21 thế trận vẫn là màu xanh nhưng là màu xanh của biển vì Việt Nam là một QUỐC GIA BIỂN.

Dư âm đường... xanh nối quá khứ với hiện tại và hiện tại với tương lai. Nhà thơ Xuân Diệu có một ý hay, thấm thía “Không gì gợi nhớ dĩ vãng bằng một mùi hương quyến rũ hay một giai điệu quyến luyến thiết tha”. Cuộc hành hương của Đoàn 70 văn nghệ sĩ về Điện Biên Phủ được gợi nhớ bằng giai điệu của các nhạc phẩm “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Văn An... là những giai điệu tự hào, đi cùng năm tháng.

Về với Điện Biên Phủ chúng ta sẽ lưu luyến mùi hương của nhiều loài hoa như đào, mai, ban, mơ, mận, cam, chanh... .và cả hoa nghệ như trong bài thơ “Bài ca Điện Biên Phủ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:

“Sáng nay giữa Điên Biên dữ dội

Những chiến hào bỗng thấy mùa Xuân

Ô, lạ khắp mặt đồi đen trụi

Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng.

(....)Anh ngắt đóa hoa đồng tươi nhỏ

Dành cho em ở cuối trời xa

Em ạ, dù trong bão lửa

Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa”.

Cách nói “Điện Biên Phủ viết mãi không cùng” có lẽ toát lên được hồn cốt của một đối tượng của văn chương đặc biệt có sức xuyên thời gian - không gian nhìn từ văn hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024): Đường… xanh