Nâng niu tấm ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Mạnh Khang bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn tới nhà lãnh đạo vì dân, vì nước.
Trước khi về công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hoài Đức (Hà Nội) năm 2008, ông Trần Mạnh Khang đã có gần 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục.
Sau khi nghỉ chế độ năm 2018, ‘ông giáo làng’ tiếp tục được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 5, xã Yên Sở.
Một trong những kỷ niệm khiến ông Khang không bao giờ quên đó là vinh dự được gặp, nói chuyện và bắt tay với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại Nhà văn hóa xã Yên Sở ngày 14/11/2021 với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn 5.
“Trước khi diễn ra chương trình, chúng tôi chỉ được thông báo sẽ có một cán bộ Trung ương về với ngày hội với thôn 5 nên ai cũng hồi hộp, háo hức. Khi thấy vị khách đặc biệt tới dự là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, nhân dân chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào và vui mừng vì được đón nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về thăm”, ông Khang kể.
Trong tâm thức của ông Trần Mạnh Khang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo giản dị, khiêm tốn và có chất giọng mộc mạc, đầm ấm cùng nụ cười đôn hậu. Dù về gặp bà con nhân dân thôn 5 lần đầu tiên nhưng ai cũng cảm nhận được tình cảm chân thành, sự gần gũi của người đứng đầu Đảng, Nhà nước dành cho người dân.
Thay mặt cho Chi bộ, chính quyền và nhân dân thôn 5, ông Trần Mạnh Khang trình bày báo cáo về công tác xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của thôn 5; nêu bật những kết quả đạt được, một số hạn chế trong năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ của năm 2022.
Sau khi nghe các báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và căn dặn cán bộ, nhân dân thôn 5 nói riêng, xã Yên Sở nói chung cần tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới hiện đại, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Những điều chia sẻ của Tổng Bí thư với nhân dân xuất phát từ những việc nhỏ nhất như xây dựng tình đoàn kết toàn dân, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm… để ai cũng hiểu và thực hiện.
Với thế hệ trẻ ngày nay, “ông giáo làng” Trần Mạnh Khang cho rằng, với những lợi thế về sự năng động và tận dụng khoa học công nghệ, các em cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình sống và làm việc theo gương Bác Hồ, mọi việc làm đều xuất phát từ tấm lòng vì nước, vì dân.
Thế hệ trẻ phải rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức; tiếp cận tốt với khoa học công nghệ trong giai đoạn cách mạng mới ngày nay để trở thành những nhân tài phục vụ phát triển đất nước.
Là người có vinh dự được gặp và bắt tay với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 5, xã Yên Sở coi sự kiện hôm đó như một kỷ niệm đáng nhớ của đời mình.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo liêm khiết, chính trực, thương dân và vì dân. Khi hay tin ông mất, chúng tôi vô cùng thương tiếc và xót xa vì từ nay, đất nước mất đi một người con ưu tú, người chiến sĩ cộng sản kiên trung suốt đời phấn đấu theo lý tưởng của Đảng và làm việc vì lợi ích của nhân dân. Dù đã đi xa, nhưng đạo đức cách mạng, tinh thần nhân ái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mãi trường tồn trong lòng người dân Việt Nam”, bà Nga nghẹn ngào nói.
Bà Trần Thu Hòa – nguyên cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức nhớ lại, trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 tại Nhà văn hóa xã Yên Sở, bà được giao nhiệm vụ dẫn chương trình văn nghệ chào mừng. Từng tiết mục “cây nhà lá vườn” của người dân hát về Đảng, Bác Hồ và Tổ quốc được cất lên với tấm lòng thiết tha, chân thành đã làm xúc động người nghe.
“Bác Trọng khen các tiết mục văn nghệ rất hay, không kém gì Trung ương vì bà con hát bằng trái tim với tất cả tình cảm về quê hương đất nước mình. Chúng tôi lúc đó ai cũng vui mừng. Khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, tôi cảm thấy hẫng hụt và tiếc thương vô cùng một nhân cách lớn như bác Nguyễn Phú Trọng”, bà Hòa xúc động tâm sự.
Theo thông tin từ Ban chấp hành Trung ương Đảng, lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội bắt đầu từ 7h – 22h ngày 25/7 và từ 7h – 13h ngày 26/7. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.