Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

23/05/2024 14:20

Các nhà trường quan tâm chăm lo, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006...

Quan tâm chăm lo, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006 được các nhà trường, địa phương đặt quyết tâm. Điều này thể hiện từ việc hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT; đến lo ăn ở, đi lại… cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp.

Ôn tập miễn phí

Trường THPT Lương Thế Vinh nằm ở vùng nông thôn thuộc xã bãi ngang của huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Người dân địa phương chủ yếu làm nông và nuôi trồng thủy sản, đời sống nhiều khó khăn. Trường tuyển sinh đầu vào theo 2 nguyện vọng. Học sinh đỗ nguyện vọng 2 hầu hết ở xa trường, nhiều em nhà cách trường gần 20 km.

Chất lượng đầu vào thấp hơn so với các trường trên địa bàn huyện. Nhiều học sinh khả năng học tập, ý thức rèn luyện hạn chế. Với đặc thù này, nhà trường triển khai các giải pháp khá đặc biệt, mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ cách làm, cô Hiệu trưởng Đồng Thị Thuận cho biết, đầu năm học, nhà trường họp phụ huynh khối 12 bàn giải pháp phân luồng học sinh. Những em khả năng học tập hạn chế được nhóm riêng 1 lớp; dưới sự phụ trách, giảng dạy của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nhiều kinh nghiệm do trường lựa chọn. Hiệu trưởng trực tiếp tham gia giảng dạy lớp này để thuận lợi trong quản lý; kịp thời động viên giáo viên, học sinh.

Tất cả hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh được nhà trường, gia đình theo dõi chặt chẽ. Học sinh khó khăn về kinh tế và điều kiện học tập được kịp thời giúp đỡ từ nguồn quỹ khuyến học của trường. Những em khó khăn trong học tập được ban giám hiệu phân công giáo viên bộ môn giúp đỡ, phụ đạo bằng nhiều hình thức: Trực tiếp, online, thông tin qua Zalo…

Trong thời gian ôn tập (khoảng 6 - 7 tuần trước khi thi), tất cả học sinh khó khăn về kinh tế được ôn tập miễn phí. Riêng trò học lực yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp, nhà trường vận động kinh phí cho các em ăn cơm chiều tại trường, thống nhất với cha mẹ cho ở lại trường mỗi tuần 3 buổi tối. Thầy cô sẽ đồng hành, theo dõi và giúp đỡ các em học tập không thu bất kỳ khoản phí nào. Hiệu trưởng trực tiếp quản lý nhóm này.

“Năm nay, nhà trường rà soát có 11 học sinh khối 12 khó khăn về kinh tế; 6 em nguy cơ trượt tốt nghiệp. Những em này được quan tâm giúp đỡ như các năm trước. Điểm mới là, năm nay nhiều học sinh không thuộc diện nguy cơ trượt tốt nghiệp nhưng phụ huynh mong muốn gửi các em tự học bài buổi tối tại trường, có sự giám sát, giúp đỡ của thầy cô. Nhà trường sẽ vận động giáo viên tự nguyện ở lại trường để hỗ trợ các em”, cô Đồng Thị Thuận chia sẻ.

Phụ đạo hoàn toàn miễn phí cho học sinh có học lực yếu (học sinh nguy cơ điểm thi dưới trung bình - lọc qua các kỳ khảo sát) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cách làm của Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ).

Theo thầy Hiệu trưởng Tạ Duy Kiên, điểm đầu vào thấp nên số lượng học sinh cần phụ đạo khá nhiều. Trong số 276 học sinh lớp 12 có hơn 100 học sinh nguy cơ trượt với môn Tiếng Anh cần phụ đạo. Số này với môn Toán là gần 100 em. Môn Ngữ văn, Giáo dục công dân ít nhất, khoảng 30 học sinh.

“Ngoài chương trình ôn tập chung với học sinh 12 toàn trường, những em nói trên được bố trí lịch học riêng, mỗi tuần 1 - 2 buổi tùy môn. Hỗ trợ các em là thầy cô có kinh nghiệm, nhiệt tình, giỏi chuyên môn. Hoạt động này được nhà trường thực hiện từ trong năm học và kéo dài đến trước ngày thi tốt nghiệp THPT khoảng 1 tuần”, thầy Tạ Duy Kiên cho biết.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại trường buổi tối. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại trường buổi tối. Ảnh: NTCC

Lo từng bữa ăn, chỗ nghỉ

Không chỉ hỗ trợ học sinh ôn tập, Trường THPT Mỹ Văn còn rà soát trường hợp gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ những ngày thi. Thầy Tạ Duy Kiên cho biết, năm nay trường có 8 học sinh khó khăn (nhà ở xa trường, học sinh khuyết tật nhẹ đi lại khó khăn, gia đình hoàn cảnh - bố mẹ mất, hoặc ốm đau bệnh tật) cần được hỗ trợ.

Những em này sau khi thi môn buổi sáng, nếu có nhu cầu sẽ được nhà trường đặt suất ăn trưa miễn phí; sau đó bố trí nghỉ ngơi tại khu nhà công vụ giáo viên của trường. Trường hợp số lượng đông, nhà công vụ không đáp ứng đủ, trường sẽ liên hệ cho các em ở nhờ nhà dân gần trường. Về đi lại, nếu trên đường đi gặp trục trặc, tại các xã đều có đầu mối trợ giúp. Chỉ cần liên hệ vào số điện thoại đã được công khai, xã sẽ cử người đưa đón, hỗ trợ, bảo đảm không học sinh nào phải bỏ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được thành lập 1 điểm thi tại Trường THPT Quan Sơn; gồm thí sinh 2 trường: THPT Quan Sơn, THCS&THPT Quan Sơn và thí sinh tự do.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho biết: Là huyện miền núi cao, học sinh đi học phải qua các con dốc quanh co; sông, suối hoặc đường trơn trượt khi trời mưa. Nhiều em nhà cách trường (cũng là điểm thi) từ 10 đến 35 km. Do đó, việc lo chỗ ăn, chốn nghỉ cho học sinh những ngày thi luôn là nội dung được nhà trường quan tâm.

Như mọi năm, học sinh có nhu cầu ở lại sẽ được bố trí ở Trường DTNT huyện Quan Sơn (giáp với điểm thi). Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT huyện Quan Sơn đồng thời chỉ đạo các nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn Sơn Lư tạo mọi điều kiện và ưu tiên cho cán bộ làm công tác thi, thí sinh, phụ huynh khi có nhu cầu đặt phòng; không được tăng giá, bảo đảm vệ sinh phòng ở, điện sáng để học sinh ôn luyện. Nhà dân gần trường cũng được yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất nếu học sinh, phụ huynh có nhu cầu lưu trú…

Chăm lo cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT cũng là nội dung tỉnh Đắk Lắk hết sức quan tâm. Thông tin từ ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc sở GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó, đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ động phối hợp với sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan triển khai chương trình tiếp sức mùa thi, hỗ trợ kịp thời thí sinh tham dự kỳ thi; đặc biệt trường hợp khó khăn trong đi lại sẽ ăn, nghỉ tại điểm thi.

Với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh, người thân ở các điểm tổ chức thi; vận động hỗ trợ thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, xa, thí sinh người dân tộc thiểu số, khuyết tật, cư trú tại các vùng thiên tai tham dự kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Đoàn Thanh niên Trường THPT Quan Sơn xây dựng riêng một kế hoạch tiếp sức mùa thi, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong tiếp sức mùa thi, nhằm hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Đơn cử, đăng lịch thi trên nhiều kênh để học sinh, phụ huynh nắm được thông tin.

Xin danh sách (có số điện thoại) thí sinh trong mỗi buổi thi để kịp thời liên hệ, hỗ trợ nếu học sinh đến muộn, gặp sự cố… Công khai số điện thoại tiếp sức mùa thi để học sinh, phụ huynh lưu số, gọi khi cần hỗ trợ. Bố trí đội tiếp sức trực trên các tuyến đường và tại khu vực thi… - Thầy Nguyễn Minh Đạo

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-khong-de-hoc-sinh-nao-bi-bo-lai-phia-sau-post684427.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-khong-de-hoc-sinh-nao-bi-bo-lai-phia-sau-post684427.html
Bài liên quan
Chăm lo cho học sinh nội trú t rước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường dân tộc nội trú (DTNT) đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn luyện sát với chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau