Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Sai sót nhỏ, hậu quả lớn

26/06/2024 17:34

Dù đã được phổ biến kỹ lưỡng, nhưng vẫn không ít thí sinh mắc phải lỗi sai đáng tiếc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh hãy ghi nhớ quy định trước khi đến trường thi để tránh hậu quả đáng tiếc.

Sai lầm thường gặp

Dù đã phổ biến kỹ lưỡng, nhưng không ít thí sinh vẫn mắc phải lỗi sai đáng tiếc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Trương Thị Cẩm Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ có trường hợp không đến trường thi, nhà trường gọi điện cho cha mẹ thí sinh nhiều lần không được. Khi gọi nhờ nhà hàng xóm sang xem mới biết em ngủ quên.

Có em không đến trường vì nhớ nhầm ngày và đưa bà đi khám bệnh, nhà trường tìm mọi cách nhưng không liên hệ được. Ngoài ra, cô Thúy cũng cho biết, học sinh rất hay quên mang theo Atlat khi thi môn Địa lý, hoặc quên thẻ dự thi. Trường hợp thí sinh đến muộn giờ so với quy định cũng thường gặp.

Cô Bùi Thị Thơ - giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) thì cho biết, gần đến ngày thi, học sinh thường có tâm lý lo lắng, thức khuya để học bài, dẫn đến sức khỏe không bảo đảm, thiếu ngủ và đi muộn. Một số em bố mẹ đi làm xa nhà ở với ông bà, có em ở trọ gần trường, không ai gọi dậy nên ngủ quên dẫn đến đi thi muộn. Ngoài ra, tâm lý vội vàng, lo âu cũng dẫn đến quên căn cước công dân, thẻ dự thi, vật dụng được phép mang vào phòng thi.

Khi làm bài tự luận, có thí sinh viết nhầm ô số báo danh vào ô số phách; nhận đề không đọc kỹ mà vội vàng làm ngay để tiết kiệm thời gian, dẫn đến đọc nhầm câu hỏi, lạc đề. Ở môn trắc nghiệm, thí sinh hay tô sai cột các mục số báo danh và mã đề; bỏ trống các câu trả lời hoặc một câu chọn 2 đáp án. Một số sử dụng bút chì tô mờ hoặc khi đổi đáp án lựa chọn các em tẩy không sạch, dẫn đến khi chấm, máy sẽ nhận diện sai và bị mất điểm; không cẩn thận, chủ quan nên mất điểm ở câu dễ.

Có thí sinh phân bố thời gian không hợp lý, dành thời gian quá nhiều cho một câu hỏi, dẫn đến không còn đủ thời gian làm và bỏ qua câu dễ có thể nằm ở phía sau; không dành thời gian soát lại bài. Sau khi thi xong, các em thường tra đáp án trên mạng, nếu kết quả không tốt dẫn đến áp lực, tâm lý khi thi môn tiếp theo.

Nhấn mạnh những lỗi sai hay gặp khi làm bài trắc nghiệm, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) nhắc đến việc thí sinh giữ phiếu trả lời không thẳng, bẩn nên bị lỗi khi quét bài; tô sót hoặc sai số báo danh, mã đề thi; tô số báo danh, mã đề, đáp án bằng bút mực; tô nhiều hơn 1 đáp án; bỏ trống không tô đáp án nào; xóa đáp án đã chọn và chọn lại đáp án khác nhưng xóa không kỹ nên máy nhận dạng thí sinh chọn cả 2 đáp án...

ThS Phan Trọng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) cũng nhắc đến lỗi sắp xếp thời gian làm bài không hợp lý; không đọc đề kỹ, chưa nắm rõ nội dung đã làm bài; làm nhanh câu dễ và tập trung thời gian làm câu khó; tô sai trong làm bài trắc nghiệm…

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Cần nắm vững quy định

Những lỗi sai đáng tiếc, có thể dẫn đến bỏ lỡ cả kỳ thi chủ yếu do thí sinh không nắm vững quy chế. Đưa lời khuyên, cô Vũ Thị Anh - giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) lưu ý thí sinh cần nhớ lịch thi vào ngày các 26, 27, 28/6. Trong đó, chiều 26/6, thí sinh đến làm thủ tục dự thi, nhận phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi. Ngày 27, 28/6, các em nhớ lịch các bài thi đã được in trên giấy báo dự thi. Phải đến phòng thi đúng giờ, nếu chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh không được phép dự thi buổi thi đó.

Các em chuẩn bị những vật dụng được mang vào phòng thi gồm: Bút viết, thước kẻ, bút chì, cục tẩy, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình GDPT 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Lưu ý các vật dụng không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Thí sinh vào đúng phòng thi, ngồi vị trí số báo danh của mình; ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào giấy thi, đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, các em nhớ kiểm tra chất lượng in sao đề trước khi làm. Nếu phát hiện đề in nhòe, mờ, hỏng, rách phải báo ngay cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý. Thời gian báo chậm nhất 5 phút kể từ khi phát đề.

Trong thời gian làm bài thi phải giữ trật tự; không được trao đổi, chép bài người khác, không cho người khác chép bài mình; báo cáo ngay cho cán bộ coi thi khi người khác chép bài hoặc cố ý can thiệp vào bài mình. Đặc biệt, thí sinh không được sử dụng tài liệu trái phép hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo, khi được phép thì đứng trình bày công khai ý kiến.

Khi làm bài, thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Chỉ được viết bằng một màu mực duy nhất (không dùng màu đỏ). Phải ngừng làm bài ngay lập tức khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài; bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình…

Cô Trương Thị Cẩm Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa nhắc nhở học sinh chú ý vấn đề an toàn giao thông, lường trước có thể kẹt xe để đến trường thi đúng giờ (sáng có mặt trước 6 giờ 45 phút, chiều có mặt trước 13 giờ 30 phút). Nhớ ăn sáng, trưa, chiều hợp lý, tuyệt đối không bỏ bữa; sắp xếp thời gian nghỉ trưa, không thức khuya.

Thí sinh phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi và những người có trách nhiệm tại điểm thi. Kiểm tra các thông tin cá nhân và bài thi của mình trước, trong giờ làm bài và khi nộp bài. Nhận đề thi cần kiểm tra các trang của đề thi đã đầy đủ, rõ ràng chưa; lưu ý kiểm tra mã đề các môn thành phần trong bài thi tổ hợp.

Lưu ý kỹ thuật làm bài

Lưu ý thí sinh khi làm bài trắc nghiệm nói chung, bài thi Lịch sử nói riêng, cô Nguyễn Thị Ngân Hà - giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) cho rằng cần đọc kỹ đề, không bỏ sót chữ nào trên câu hỏi. Đọc kỹ từng đáp án (dù câu đó đã biết chắc đáp án đúng nhưng vẫn không được chủ quan). Thí sinh đọc tới đâu làm tới đó. Câu nào không làm được thì bỏ qua để làm câu tiếp. Sau khi xong câu cuối sẽ quay lại những câu chưa làm được. Thí sinh tránh tập trung quá nhiều thời gian vào một câu mà bỏ phí những câu khác. Khi hoàn thành bài, cần dành thời gian để rà lại toàn bộ bài thi, lưu ý xem mình đã tô đủ 40 câu chưa.

Trong trường hợp không nhớ chính xác phương án trả lời, thí sinh không nên đoán mò hoặc khoanh bừa mà cần dùng phương pháp loại trừ; hoặc thay vì tìm đáp án đúng, hãy thử tìm đáp án sai, loại trừ càng nhiều phương án càng tốt. Nếu không còn cơ sở để loại trừ, các em hãy dùng cách phỏng đoán để nhận thấy phương án nào khả thi hơn.

“Việc không giải quyết được 1 - 2 câu hỏi khó dễ khiến nhiều em nản lòng, bối rối, dẫn đến không tập trung làm bài. Do vậy, các em nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ngay từ ngoài phòng thi, không dành quá nhiều tâm huyết vào một câu hỏi mà nên biết bỏ qua khi cần thiết. Đồng thời, hãy chuẩn bị một chai nước lọc để chống đỡ thời tiết nóng nực mùa Hè cũng như lấy lại tinh thần tập trung khi làm bài”, cô Nguyễn Thị Ngân Hà nhắc nhở.

Cô Vũ Thị Anh - giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thì cho biết, bài thi tổ hợp, các câu hỏi được sắp xếp theo cấp độ từ dễ đến khó. Các em tập trung làm lần lượt để đạt điểm cao nhất theo năng lực. Tránh trường hợp có em chủ quan, nghĩ câu dễ làm sau, đi “cày” những câu khó trước, đến khi thấy sắp hết thời gian mới làm nhanh câu dễ thì không kịp, và có thể khoanh ẩu.

Đối với môn tự luận, thí sinh có thể ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi nhưng phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Sau khi làm bài thi môn tự luận (Ngữ văn), nhớ ghi tổng số tờ giấy thi vào bài thi. Hết thời gian làm bài thi, thí sinh nộp bài và ký xác nhận số tờ, bài thi; dù làm được hay không các em cũng phải nộp bài.

Những ngày cuối cùng này, các em nên rà soát lại một lượt kiến thức, xem chỗ nào chưa chắc, yên tâm thì đọc và ôn bổ sung thêm. Hãy giữ sức khỏe trong những ngày nắng nóng để có kỳ thi an toàn, hiệu quả. Sự tự tin, tâm lý thoải mái đã làm nên một nửa thành công của các em trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. - Cô Vũ Thị Anh - Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên)

Bài liên quan
Sớm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Bắt đầu năm học 2024 - 2025, các địa phương nhanh chóng có chỉ đạo, triển khai đối với công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Sai sót nhỏ, hậu quả lớn