Còn tại Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường có 25 phòng thi. Các phòng thi được trang bị đầy đủ bàn ghế theo quy định gồm thiết bị chiếu sáng, quạt, máy điều hòa nhiệt độ, cửa sổ, cửa ra vào đảm bảo phục vụ thi.
Trường cũng bố trí 2 phòng dự trữ, 2 phòng chờ, 3 phòng bảo quản vật dụng không được mang vào phòng thi của thí sinh theo đúng quy định; 1 phòng y tế được trang bị đầy đủ cơ số thuốc, đảm bảo yêu cầu phục vụ thi. Khu phòng thi tại nhà A có cửa sổ gần với khoảng 10 hộ dân nên giải pháp khắc phục là đóng chặt cửa sổ, cửa kính trong thời gian diễn ra kỳ thi”.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 huyện Hoài Đức, toàn huyện có 2.755 thí sinh đăng ký dự thi vào 4 trường THPT công lập. Ngoài ra còn có hơn 600 em đăng ký dự thi các trường ngoài huyện. Công an huyện Hoài Đức đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi, điện lực sẽ cung cấp điện liên tục và sẵn sàng lực lượng để khắc phục sự cố nếu xảy ra quá tải.
Cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C trao đổi, trường có 16 phòng thi và 801 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu nguyện vọng 1 là 495 em. Trường có hệ thống cổng ra vào, tường rào bằng gạch xây xung quanh, nhà vệ sinh riêng; khu để xe riêng cho cán bộ coi thi và thí sinh.
Khu vực bố trí phòng thi nằm ở tòa nhà lớp học ngăn cách với khu chức năng khác của trường, thuận lợi cho việc đảm bảo an toàn kỳ thi. Trường đã niêm phong các phòng không sử dụng; phương tiện thông tin liên lạc không sử dụng trong khu vực thi cũng được vô hiệu hóa theo quy định. Nhà trường sẽ bố trí cán bộ an ninh ở cả vòng trong và vòng ngoài. Trường cũng chuẩn bị sẵn một máy phát điện để sử dụng trong trường hợp mất điện tại điểm thi.
Điểm thi Trường THPT Hoài Đức C đã chuẩn bị máy phát đề phòng trường hợp mất điện. |
Trước kỳ thi quan trọng, ngày 8/6, rất đông thí sinh đã đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu may cũng như giải tỏa áp lực. Lê Yến Nhi đến từ Trường THCS Thọ Xuân, huyện Đan Phượng cho biết, kỳ thi năm nay có sự cạnh tranh khốc liệt nên em dành trọn thời gian ôn luyện các môn.
“Khi đọc thông tin về số lượng thí sinh toàn thành phố năm nay tăng nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ có 55,7% nên em khá lo lắng. Tuy nhiên, bố mẹ và thầy cô luôn động viên để chúng em tập trung ôn luyện các kiến thức cơ bản. Em và gia đình cũng tính một số phương án dự phòng ở nguyện vọng 2 và 3 nên không quá áp lực trước khi thi. Em tới đây chủ yếu để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình cũng như tinh thần được thoải mái”, Yến Nhi tâm sự.
Những ngày sát kỳ thi, Nguyễn Nhật Minh, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa chủ yếu xem lại các kiến thức đã học ở 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Nam sinh cho biết: “Em không có thói quen đọc hay nghe các “đồn đoán” về đề thi trên mạng. Thay vì đi tin lời đồn và “ôn tủ”, em cố gắng hệ thống lại kiến thức bài học thông qua sơ đồ tư duy để nhớ lâu hơn. Đồng thời, cân đối thời gian ôn tập và nghỉ ngơi thật khoa học. Bố mẹ cũng nhắc em không thức quá khuya, duy trì thói quen tập thể dục buổi sáng để bảo đảm sức khỏe. Đặc biệt, chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh tự gây áp lực cho bản thân”.
Theo cô Phí Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), thời điểm này các bậc cha mẹ nên để trẻ thả lỏng tinh thần, giữ tâm thái thoải mái nhất. Cho dù độ cạnh tranh của kỳ thi năm nay tại Hà Nội cao, nhưng không vì thế mà bố mẹ gây áp lực cho con rằng phải vào được trường này trường kia. Trong năm học, thầy cô đã tư vấn để các em có lựa chọn phù hợp với khả năng của bản thân. Nếu học sinh không đỗ được trường tốp trên vẫn cơ hội ở trường tốp dưới và nhiều con đường khác để đi. Quan trọng là các em thể hiện được hết khả năng, kiến thức của mình.
Ngày 9/6, thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội tới các điểm thi để làm thủ tục dự thi, đối chiếu thông tin cá nhân trong thẻ dự thi cũng như học quy chế thi. Trong hai ngày 10 và 11/6, các em chính thức làm các bài thi là Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán.