- Cháu xin lỗi bác, có thể thần trí mẹ cháu không được bình tĩnh, nên bà mới có những hành động làm bác phiền lòng.
- Anh nói thế thì tôi không chấp bà ấy làm gì. Thế bà ấy đã đỡ hơn chưa?
- Dạ, bác sĩ nói, phải chuyển vào Sài Gòn gắp miếng đạn trong đầu ra, thì mẹ cháu mới mong sống thêm một thời gian nữa. Còn thần trí của bà, thì như mây gió, không đọng lại được lâu.
Người đàn bà lúc này mới nhìn thẳng vào mắt tôi, mắt bà xúc động đỏ lên. Bà nắm lấy tay tôi, giọng bà nghèn nghẹn:
- Thế mẹ cháu cũng là thương binh à?
- Dạ phải ạ, mẹ cháu là thương binh!
Giọng người vợ liệt sĩ chùng xuống:
- Thế khi xưa chị ấy hoạt động ở vùng nào?
- Mẹ cháu hoạt động trong lòng địch ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm.
Nghe nói đến địa danh, người vợ liệt sĩ bỗng đứng dậy, gương mặt đầy ngạc nhiên và xúc động.
- Chị ấy có phải cô giáo Út Vân không, cháu?
Câu hỏi của người đàn bà dồn dập, làm tôi hơi bất ngờ, vì sao bà ấy lại biết được bí danh hồi kháng chiến của mẹ tôi. Người vợ liệt sĩ chợt nắm lấy tay tôi xúc động, đằng sau niềm xúc động ấy là một câu chuyện dài.
Trong những bức thư hiếm hoi trước khi hy sinh được gửi về đến gia đình của người liệt sĩ, có một lá thư ông viết trước khi hy sinh một bữa, kèm mấy bông mai Tết của miền Nam. Mấy mươi năm trôi qua, bông mai đã khô màu nhưng vẫn còn vẹn nguyên dáng hình xứ sở sông ngòi hào sảng. Trong lá thư ấy, ông kể rằng, khi tiến vào thành phố mùa Tết, ông đã lượm được một đứa nhỏ chừng năm tháng.
Cha đứa bé ấy là lính của đồn giặc, bị phía ta tiêu diệt. Mẹ nó cũng lìa đời trong nhập nhòa lửa đạn. Đứa nhỏ may mắn thoát chết, ôm vú mẹ bú miết không thôi. Ông đã bồng đứa nhỏ theo về đơn vị, nhưng điều kiện chiến sự không cho phép, đành phải gửi cho một đồng chí hoạt động trong lòng địch ở lại nội thành nuôi lấy.
Ông bảo rằng đây là con ruột của mình, sợ nhỡ cô ấy kỳ thị thân phận đứa nhỏ. Thư viết vội, ông không kể rõ vì sao lại giấu biệt lai lịch đứa nhỏ là con của địch, chỉ nhắc lại rằng gửi thằng bé cho đồng chí tên là Út Vân, một cô giáo hoạt động cách mạng ở Hóc Môn, Bà Điểm.
Nghe câu chuyện, lòng tôi vừa xúc động vừa dâng trào những nỗi niềm rất lạ, dường như chưa từng có từ nhỏ đến giờ. Phải chăng đó là thứ cảm xúc của sự ruột rà thân thuộc, ví như những giọt huyết thống khi bỏ vào nước thì sẽ tự khắc tìm đến với nhau.
*
Chiều ấy, trước khi chúng tôi chuyển mẹ về Sài Gòn. Bà vẫn mở mắt nói được vài câu tỉnh táo hiếm hoi:
- Con thắp cho cha nén nhang, cho chavui lòng!
Người vợ liệt sĩ đến bệnh viện từ lâu, bà không gõ cửa, chỉ đứng đó chờ. Tôi bước ra thấy bà, định cất lên tiếng chào nhưng người vợ liệt sĩ đã nhanh tay ra dấu rằng tôi đừng nói gì cả. Bà bước nhẹ nhàng vào phòng. Mẹ tôi nhận ra bà nên run run đôi tay, mặt bỗng tái xanh sợ sệt.
- Tôi đây, chị ạ! Chị đừng buồn tôi. - Người vợ liệt sĩ nói.
Như chờ đợi từ rất lâu, mắt mẹ rưng rưng không nói nên lời. Người vợ liệt sĩ nắm lấy tay mẹ nói tiếp, bà vẫn không quên nở lấy nụ cười tươi rói trên môi.
- Chị về phải khỏe, năm sau mùng bốn Tết, giỗ bố chúng nó, chị ra với tôi.
Mẹ tôi mắt mở to, bà mừng, dang tay ôm người đàn bà, nhưng cố mãi vẫn không được. Người vợ liệt sĩ ôm lấy mẹ: “Tôi tin chị!”. Hồi lâu bà lại nói tiếp: “Chị tin tôi, về trong ấy chị nhất định phải khỏe nghe chưa, tôi còn chờ chị Tết năm sau!”.
Người ta nói rằng, phụ nữ là sinh vật khó hiểu nhất ở trên đời. Nhưng thật ra có nhiều việc còn khó hiểu hơn nữa đã xảy ra với gia đình tôi. Ví như cơn đại phẫu “thập tử nhất sinh” của mẹ thành công hơn cả mong đợi và việc bà hồi phục một cách thần kỳ, làm tôi ngờ ngợ về một thứ thuốc giả dược tinh thần có ở đất nước mình.
Bây giờ, cứ mùng bốn Tết mỗi năm, chúng tôi đều đưa mẹ đến thành phố biển, vẫn không bao giờ quên mang theo những nhành mai của chính tay mẹ và tôi trồng, chăm bón suốt một năm ròng. Những nhành mai thay tiếng lòng của mẹ con tôi dành cho gia đình người ân nhân, cũng là những người thân như ruột thịt.