Kỳ vọng cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ vùng khó

Hà Nguyên | 30/12/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” được đặt nhiều kỳ vọng...

Hỗ trợ kịp thời

Tại Trường Mầm non Lý Sơn (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), trẻ độ tuổi mẫu giáo được hỗ trợ tiền hỗ trợ ăn trưa với mức 150.000 – 160.000 đồng/tháng. Theo cô Hiệu trưởng Mai Thị Hiệp, nhờ khoản hỗ trợ trên, phụ huynh chỉ phải đóng thêm vào khoảng 200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, trẻ cũng được hỗ trợ mua sắm học cụ nên giờ học sinh động, tăng cơ hội hình thành các kỹ năng, dễ dàng bắt nhịp khi học tiểu học. Những chính sách này góp phần đảm bảo tỷ lệ trẻ trong độ tuổi 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Ông Trần Công Thông, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Lý Sơn, thông tin, 3 trường mầm mon của huyện đảo đều tổ chức lớp nhà trẻ, tuy nhiên, chỉ có thể nhận trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi chứ không đủ điều kiện để nhận trẻ dưới 24 tháng. “Cơ sở vật chất các trường có thể đáp ứng nhưng lại không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp. Nếu mở lớp ở độ tuổi này cần bổ sung thêm giáo viên trong khi chúng tôi đã sử dụng hết định biên được giao”, ông Thông chia sẻ. Vì vậy, trẻ dưới 24 tháng tuổi ở Lý Sơn hầu hết đều học ở các nhóm lớp độc lập tư thục.

Tương tự, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mới chỉ có Trường Mầm non Hoa Mai ở trung tâm có thể nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ. Theo cô Trần Thị Hoàng Oanh, các điểm trường thôn của Trường Mầm non Trà Leng đã huy động được 100% trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi ra lớp nhưng không thể nhận trẻ nhỏ hơn do không đáp ứng cơ sở vật chất lẫn đội ngũ.

Vì vậy, cô Oanh kỳ vọng Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” đạt mục tiêu có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được đến cơ sở giáo dục mầm non. Giáo dục sớm với trẻ mầm non, nhất là tại địa bàn vùng khó sẽ cải thiện được tình trạng thể chất cũng như chất lượng giáo dục để các em sớm tiếp cận được với tiếng Việt, thuận lợi cho bậc học cao hơn.

Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” đồng thời góp phần huy động được các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, tăng cường học cụ, đồ dùng, đồ chơi, nhất là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé.

Cô Trần Thị Hoàng Oanh rất mong có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non vùng khó khăn để ổn định đội ngũ, tiến tới đảm bảo đủ giáo viên/lớp, nhất là nhóm lớp tại điểm thôn. “Hầu hết điểm trường chỉ có 1 giáo viên, trong khi có đến 3 độ tuổi từ 3 – 4 - 5 tuổi theo học nên các cô rất vất vả khi tổ chức hoạt động dạy – học. Bởi tập trung cho trẻ 5 tuổi đủ kỹ năng để vào lớp Một thì thiệt thòi cho trẻ ở độ tuổi 3 - 4. Nếu có chính sách tăng cường thêm giáo viên, trẻ được tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn, chuẩn bị tốt điều kiện để hòa nhập vào môi trường tiểu học”, cô Oanh bày tỏ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-cai-thien-dieu-kien-cham-soc-tre-vung-kho-post620843.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-cai-thien-dieu-kien-cham-soc-tre-vung-kho-post620843.html
Bài liên quan
TPHCM chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới
Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ vọng cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ vùng khó