'Lạ lẫm' tranh truyện Hàng Trống

26/03/2024, 07:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lần đầu được đọc truyện Nôm kể bằng tranh truyện của nghệ nhân Hàng Trống, nhiều người không khỏi lạ lẫm và thích thú.

Dù tranh dân gian phổ biến trong nhân dân nhưng với chất liệu giấy, khó bảo quản nên có người giữ được cũng có người không.

Trong mấy mươi năm làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật, ông cần mẫn sưu tầm và gặp nhiều gia đình, nhất là các hiệu tranh. “Bộ “Chiêu Quân cống Hồ” là của gia đình làm tranh nổi tiếng ở Hà Nội, hiệu Thanh An.

Lúc đó, bà cụ 80 tuổi mang bó tranh ném trên gác xép đưa cho tôi. Thế là, tôi dụng công bồi lại từng tờ tranh mỏng manh để có thể gìn giữ từ những năm 1980 cho đến giờ”, ông Khuê nói.

Cùng với các hiện vật, ông Khuê còn viết sách “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội”, trong đó in hơn 400 bức tranh. Cuốn sách được nhận nhiều giải thưởng, nhất là giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

“Đây không phải là vinh dự của riêng tôi mà tôi chỉ là người đi góp nhặt từng viên gạch để dựng lại lâu đài của tranh dân gian Hàng Trống. Tiếc rằng, các nghệ nhân gần như đã là người muôn năm cũ, giờ không còn ai sáng tác dòng tranh truyện này. Nếu có điều kiện, tôi mong chúng ta cùng nghĩ đến cách phổ biến dòng tranh đã góp phần làm nên nền nghệ thuật đặc sắc của kinh thành Thăng Long này”, ông Khuê bày tỏ

Chia sẻ thêm về quá trình gìn giữ tranh Hàng Trống, chị Phan Vân Ánh, con gái thứ 2 của ông Khuê cho biết, dù hồi đó còn nhỏ (chưa đến 10 tuổi) và khá nghịch ngợm nhưng ba chị em đã được bố giảng giải cặn kẽ về việc cần phải có ý thức gìn giữ các hiện vật trong căn nhà chỉ rộng chừng 30 – 40 m2.

Suốt năm, cả nhà cùng chăm chút từng bức, làm đến đâu bố Khuê lại kể bản nôm cũng như nguyên tác, dị bản của truyện ở Trung Quốc, thậm chí cả việc thể hiện bằng nghệ thuật tuồng như bộ “Sơn hậu”.

“Hồi đó không có tivi hay đài nhưng ông kể chi tiết đến mức sau này chúng tôi được xem thì không thấy khác là bao nhiêu. Các câu chuyện cuốn hút, đem đến không ít thắc mắc: Tranh lụa bố vẽ bo là giấy mà sao ở đây ngược lại? Sao tranh không có khung?... và luôn được ông giải thích cặn kẽ”, chị Ánh kể.

Bức tranh trong bộ 'Sơn Hậu' kể liên tiếp 3 chuyện mà vẫn hài hòa, thống nhất. Ảnh: Bình Thanh.
Bức tranh trong bộ 'Sơn Hậu' kể liên tiếp 3 chuyện mà vẫn hài hòa, thống nhất. Ảnh: Bình Thanh.

Khi ông Khuê thực hiện việc bảo quản tranh, 3 chị em chị Ánh được tham gia hỗ trợ. Vì thế đến giờ chị vẫn nhớ như in hình ảnh bố mình đạp xe lóc cóc đến chợ Đồng Xuân, thậm chí về tận Hưng Yên để tìm gạo mới về xay bột nấu hồ.

Phải là gạo mới thì mới còn nhựa và lúc xay cối không được vương các loại bột khác như đậu xanh, đậu tương. Bột xay tinh cho đủ lượng nước cùng tỉ lệ chính xác các phụ gia như phèn chua, hàn the… (để không bị đốm mốc).

Bếp dầu nấu hồ lửa chỉ để lom rom và tốc độ quấy phải đều, kéo dài đến nửa ngày, thậm chí cả ngày để từ nước bột đến cháo rồi thành chất keo khi từng tinh bột được ngấm nở.

Công đoạn bồi cũng được ông thực hiện rất tỉ mẩn, cẩn thận. Khi đó, cần giấy dó kéo dài gấp đôi so với tranh và ba cô con gái được tham gia bằng cách bắc ghế kéo căng. Bố Khuê quét hồ lên từ dưới lên, bên trong ra ngoài rồi đặt tranh và miết bằng vải mềm để giấy dó và tranh áp sát, đẩy hết bọt khí, keo thừa ra ngoài.

“Bố tôi tuân thủ sự tỉ mỉ trong công việc này đến khắc nghiệt. Mỗi di chuyển tay khi miết được tính bằng mi-li-mét nên phải mất cả tuần mới xong. Việc bo và làm khung cũng tỉ mẩn như thế nên sau 40 năm những bức tranh không bị nhàu hay đứt gãy. Và, trong nhiều lần chuyển nhà, đây luôn là tài sản đầu tiên được ông mang theo”, chị Ánh nhớ lại.

Đến thưởng lãm những tác phẩm tranh truyện Hàng Trống mà theo ông Khuê chúng có tuổi đời khoảng 100 năm, Tuệ Châu (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) bày tỏ: “Em ngạc nhiên trước bố cục của mỗi bức tranh. Nghệ nhân thật tài tình trong việc tổ chức, trong đó có bức kể đến 3 câu chuyện mà nếu không đọc phần chú giải thì nhìn tổng thể vẫn hợp lý, hài hòa cả về tạo hình lẫn màu sắc.

Đây là lần đầu tiên em được biết đến dòng tranh truyện này và thấy biết ơn những nhà nghiên cứu như ông Khuê đã tâm huyết sưu tầm, gìn giữ cũng như bảo tàng tích cực tìm kiếm các chủ nhân, động viên, hỗ trợ họ lan tỏa đến cộng đồng”.

“Việc họa sĩ Phan Ngọc Khuê phối hợp cùng chúng tôi thực hiện triển lãm và trao tặng bộ sưu tập tranh truyện Hàng Trống “Chiêu Quân cống Hồ” cho bảo tàng là ông tiếp tục nối mạch nguồn tri thức, đưa di sản này tới công chúng và đặt trọn niềm tin vào bảo tàng. Nhờ ông giữ lửa cho tranh dân gian Hàng Trống mà thế hệ hôm nay có cơ hội được ngắm nhìn di sản, tuyệt tác của cha ông.

Mỗi bức tranh toát lên sự sinh động, tinh tế và ý nghĩa sâu sắc cả về nội dung và hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.

Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và thách thức khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống, chúng tôi hy vọng sự kiện hôm nay chính là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp về giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà thành. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục chủ động tìm kiếm, kết nối với các chủ nhân để sưu tầm tư liệu di sản quý họ đang gìn giữ và giới thiệu tới công chúng” - Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/la-lam-tranh-truyen-hang-trong-post676381.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/la-lam-tranh-truyen-hang-trong-post676381.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Lạ lẫm' tranh truyện Hàng Trống