Nhiều người ôm cây để giảm áp lực.
Theo báo cáo trên Shanghai TV, những người ủng hộ trào lưu ôm cây nói rằng họ chỉ cần chọn một cái cây họ thích trong công viên hoặc đường phố để tổ chức các buổi ôm tập thể, có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Trong đó, một số người cho biết họ thích ôm cây vì điều này giúp giảm bớt lo âu, căng thẳng.
“Rõ ràng là tôi ôm cây, nhưng tôi cảm giác như cái cây đang ôm lại tôi”, một người chia sẻ.
Một người khác cũng cho hay: “Đây là một kiểu thư giãn rất mới để chữa lành tinh thần và nhiều bạn trẻ bị căng thẳng đã bí mật ôm cây lớn”.
Một phụ nữ đã nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn cho biết ôm cây giúp cô ổn định tâm lý.
“Tôi đắm mình trong việc ôm cây. Nó giống như ngồi thiền vậy. Tôi cảm thấy thật tự do và cảm thấy thế giới thật rộng lớn. Tôi cũng trở nên dũng cảm hơn”, người phụ nữ sử dụng biệt danh Lvzi viết.
“Khi toàn bộ cơ thể và khuôn mặt tôi chạm vào thân cây, cảm giác bình yên truyền đến não tôi. Dần dần, tôi có nhiều năng lượng hơn và cảm thấy được chữa lành. Hơn nữa, bạn ôm cây càng lâu thì bạn sẽ càng gắn bó với nó. Điều đó thật kỳ diệu”, một người dùng mạng khác cũng kể về trải nghiệm lần đầu tiên ôm cây của cô.
Bên cạnh đó, Đài truyền hình Thượng Hải cũng đưa tin các nữ diễn viên như Kim Thần, Chu Dã và siêu mẫu Hà Tuệ cũng có niềm đam mê kỳ lạ này và đăng hàng loạt bức ảnh ôm cây trên mạng xã hội.
Theo Li Xiaolin - một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc ở Bắc Kinh, ôm cây có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Vị bác sĩ này chia sẻ với tờ Life Times rằng mọi người có thể thu được khí bằng cách làm như vậy, một khái niệm đại diện cho sinh lực của cơ thể.
Việc ôm cây được lan truyền rộng rãi. Ảnh: Chinanews.
Trên thực tế, biện pháp trị liệu "ôm cây" mang lại sự thư thái, nhẹ nhàng trong thinh thần thông qua việc tiếp xúc và gần gũi với thiên nhiên. Mặc dù khái niệm này có vẻ mới lạ nhưng đã được nghiên cứu từ xa xưa. Trước đây, năm 1973, nhà tâm lý học Erich Fromm lần đầu tiên đề xuất khái niệm "Biophilia" - sự thôi thúc được liên kết với các dạng sống khác, ám chỉ việc kết nối với thiên nhiên để đem lại sự thoải mái trong tâm hồn.
Sau đó, năm 1984, Edward Wilson - người được mệnh danh là "Cha đẻ của ngành Sinh học xã hội", đã viết cuốn "Biophilia", thảo luận về mối quan hệ giữa sức khỏe con người và việc tiếp xúc với thiên nhiên. Cùng năm đó, Roger Ulrich công bố kết quả quan sát 10 năm của mình trên tạp chí Science, đề xuất một hiện tượng: những bệnh nhân có thể trực tiếp nhìn thấy khung cảnh bên ngoài cửa sổ luôn hồi phục nhanh hơn. Cho đến nay, lý thuyết này đã trở nên rất phổ biến.