Mặc dù lãi suất tiết kiệm đang tăng trở lại nhưng chưa đủ hấp dẫn khiến dòng tiền quay lại ngân hàng. Người dân vẫn tìm đến các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán…
Lãi suất huy động đã tăng trở lại từ tháng 3, mức cao nhất 6,2%/năm dành cho kỳ hạn dài. Xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Bất động sản vẫn là kênh thu hút dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp. Ảnh: Như Ý
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao tăng lên, gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như bất động sản, vàng, chứng khoán... Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến 25/3, huy động vốn (từ dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, gửi tiết kiệm khó hấp dẫn.
“Năm 2023 và 2024, chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất. Còn thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau khi thị trường chứng khoán phát triển mạnh, nhưng sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2024”. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank |
“Hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5 - 5%/năm. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 từ 4 - 4,5%. Vì thế người gửi tiền tiết kiệm có khi nhận được lãi suất thực dương rất thấp nếu như lạm phát không được kiềm chế tốt”, nhóm chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Dòng tiền chuyển hướng
Mới đây, theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc mua nhà trong khoảng 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập tầm trung và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing cho biết, hiện tại có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu bất động sản. Nguyên nhân là lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, lạm phát hiện nay đã tiệm cận 4%, vàng tăng giá mạnh, chứng khoán lại chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, nhiều người đang nghĩ tới đầu tư bất động sản.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, chia sẻ, chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền. Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt là cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở. “Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng để đầu tư vào bất động sản, đợi đất lên giá rồi bán, một số người đầu tư thì đợi lâu hơn. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản”, ông Ánh nói.
Bà Trương Hoàng Diệp Hương, chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, cho biết, trong quý I, giá vàng, chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh. Theo bà Hương, người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư. Theo thống kê, 4 tháng đầu năm, giá vàng tăng 15-22%, trở thành kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cho rằng, thị trường chứng khoán đang đi vào giai đoạn tích lũy, khó có thể giảm sâu hơn. Chứng khoán trong nước giảm chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, còn các yếu tố vĩ mô trong nước đều tốt. Theo ông Khánh, nếu năm 2022, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt nhất thì năm 2023 và 2024, chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất. Còn thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau khi thị trường chứng khoán phát triển mạnh, nhưng sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2024, ông dự đoán.