Làm ấm thêm tình nghĩa thầy trò

13/02/2024, 07:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Câu nói “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” vẫn không hề xưa cũ trong thời đại công nghệ số.

Chừng đó thôi cũng khiến lòng thầy rưng rưng. “Có lẽ tấm lòng, công sức mình dốc lòng hướng dẫn, dạy dỗ ngày xưa đã để lại trong các em những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp”, thầy Hưng tâm sự.

Lễ chào cờ và hái lộc đầu năm của Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC
Lễ chào cờ và hái lộc đầu năm của Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC

Phù hợp hoàn cảnh

Với những giáo viên đang công tác trên vùng cao, gần như không có ngày Tết thầy trọn vẹn. Chia sẻ điều này, cô Phạm Thị Liền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cho hay: “Giáo viên lên vùng cao công tác chủ yếu người dưới xuôi hoặc ở xa, ngày Tết gần như mọi người về quê hết, trong khi học sinh tiểu học còn bé nên không thể đến thăm và chúc Tết thầy cô.

Học sinh nơi đây phần lớn là người Thái và Mông. Đồng bào Mông có ngày Tết cổ truyền của dân tộc, còn người Thái ăn Tết Nguyên đán nhưng điều kiện khó khăn, việc thăm hỏi, chúc mừng thầy cô dịp năm mới chủ yếu là tình cảm”.

Năm nào Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Keo Lôm cũng tổ bữa cơm tất niên trước khi học sinh nghỉ Tết. Đây cũng là dịp để thầy cô giáo dục các em ý nghĩa ngày Tết truyền thống, cùng đó là tinh thần tương thân, tương ái, tôn sư trọng đạo…

Tương tự, Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai) với 100% học sinh là con em đồng bào Mông. Thầy Đoàn Tuấn Long - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Tại địa phương thường có hội xuân, nên từ mồng 2 Tết trở đi các em mặc quần áo mới đi chơi xuân. Mặt khác, thầy cô lên đây công tác đa phần cố gắng dành thời gian về thăm nhà, ăn Tết cùng gia đình. Vì vậy, học sinh không có điều kiện để đến thăm thầy cô. Đây cũng là điều thiệt thòi của giáo viên vùng cao”.

Theo thầy Long, Tết thầy không chỉ là truyền thống thể hiện tấm lòng tri ân của học trò đối với thầy cô mà còn là niềm vinh dự, tự hào của những người đang làm nhiệm vụ “trồng người”.

“Chúng ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo” để nhắc nhở mỗi người nhớ về công lao dạy dỗ của thầy cô. Mặc dù thầy cô nơi đây không được hưởng Tết thầy trọn vẹn nhưng chúng tôi không câu nệ chuyện đó. Với nhà giáo vùng cao, học trò ăn Tết vui vẻ, an toàn và đến trường đông đủ sau Tết là vui lắm rồi”, thầy Đoàn Tuấn Long chia sẻ.

Còn thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: Học sinh của trường phần lớn người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, ở xa trường. Thường trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm dành một khoảng thời gian phù hợp để cô trò gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Còn dịp Tết thầy, chỉ các em ở quanh khu vực thị trấn Sìn Hồ phát huy truyền thống bằng việc đi chúc Tết, thăm hỏi thầy cô.

“Các em đến chúc Tết thầy cô không quan trọng quà cáp, chúng tôi đón nhận tình cảm của trò đến thăm. Giữa nhịp sống thời đại công nghệ hiện nay, chỉ cần một tin nhắn, lời chúc, cuộc điện thoại từ học trò để thầy trò chúc mừng nhau năm mới an lành cũng đủ vui rồi”, thầy Tuấn chia sẻ.

Ở những nơi thuận lợi hơn, với thầy cô giáo, cho dù đã nghỉ hưu thì vào “Mồng Ba Tết thầy” vẫn có nhiều thế hệ học trò cũ tới thăm. Cô Nguyễn Thị The - nguyên giáo viên Trường THCS xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (Điện Biên) tâm sự: “Không kể ngày nào, các trò còn nhớ và đến thăm cô là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh được. Cô trò được gặp gỡ, hàn huyên, phấn khởi khi nghe kể những thành công của trò và ôn lại năm tháng kỷ niệm xưa”.

Nhà ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, năm nào sắp xếp được thời gian, anh Cà Văn Thân lại rủ bạn bè về thăm lại thầy cô cũ. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm thời THCS vì ở gần nhà. “Tôi thấy ngày này rất ý nghĩa để chúng ta về thăm lại những người thầy đã một thời dạy dỗ, dìu dắt và bao dung cho những lỗi lầm”.

Thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho rằng, không như ngày xưa, mỗi làng xã chỉ có một thầy đồ chuyên lo việc dạy dỗ, uốn nắn học trò. Con đường học vấn của mỗi người vì vậy không có quá nhiều thầy.

Giờ gần như mỗi năm, học sinh đều học với một giáo viên khác nhau, “Mồng Ba Tết thầy” hầu như chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, nhắc nhớ học sinh về công sức dạy dỗ của người thầy. “Đời mỗi người đi học đều có nhiều thầy cô, nên giáo viên phải thực sự có dấu ấn, sự sẻ chia, quan tâm và ảnh hưởng đến phát triển tính cách sẽ được các em nhắc nhớ”, thầy Hòa nhận xét.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-am-them-tinh-nghia-thay-tro-post671586.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-am-them-tinh-nghia-thay-tro-post671586.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm ấm thêm tình nghĩa thầy trò