Làm đẹp an toàn trong thời kỳ 'bùng nổ' phẫu thuật thẩm mỹ

05/08/2023, 12:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong thời đại nhu cầu làm đẹp đang tăng cao, làm đẹp thế nào vừa hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro là sự quan tâm của nhiều người.

Phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của không chỉ chị em phụ nữ mà cả nam giới. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều hệ luỵ liên quan đến các rủi ro trong quá trình làm đẹp. 

Tại buổi Toạ đàm "An toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ", các khách mời đã có những chia sẻ về thực trạng phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay, những rủi ro trong quá trình làm đẹp cũng như lời khuyên để giúp việc làm đẹp vừa mang lại hiệu quả như mong muốn, vừa có độ an toàn cao nhất.

Toạ đàm

Toạ đàm "An toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ" với các chuyên gia.

Rủi ro vì thích làm đẹp

Theo TS.BS Lê Thị Chi Phương - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, không chỉ giúp các chị em hoàn thiện vẻ bề ngoài mà còn thêm phần tự tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng "nghiện làm đẹp", tức là tần suất làm đẹp quá dày đặc. 

"Tôi thấy một số bạn trẻ đã rất xinh đẹp rồi nhưng lại muốn gương mặt của mình theo một hình mẫu của một "idol" nào đó. Từ đó, họ cứ cân chỉnh gương mặt của mình cho giống với "idol" đó bằng tiêm filler, botox, phẫu thuật...và thất bại trong thẩm mỹ là rất nhiều", bác sĩ Phương cho hay.

Nhiều chị em phụ nữ bị nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, mà lại làm ở những nơi không uy tín, có trường hợp nhẹ thì bị hỏng, không thể khắc phục, trường hợp nặng hơn thì đã tử vong.

Trong khi đó, TS.BS Uông Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng cho hay, trong quá trình làm việc, anh từng gặp nhiều trường hợp chị em phụ nữ đã xinh đẹp rồi nhưng vẫn xin phẫu thuật, chỉnh sửa để "hợp" phong thuỷ. Từ đó có thể thấy, nhiều người đang quá lạm dụng việc thẩm mỹ vì nhiều lý do khác nhau.

TS.BS Uông Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

TS.BS Uông Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Việc thẩm mỹ quá đà sẽ mang đến những tác dụng không mong muốn, thậm chí là ngược lại cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức khi làm đẹp cũng mang đến những rủi ro cho khách hàng.

"Phẫu thuật thẩm mỹ không phải lúc nào cũng được thực hiện cùng một lúc, "làm đẹp luôn" như khách hàng yêu cầu. Có nhiều dịch vụ có thể làm được ngay, nhưng có những dịch vụ sẽ phải chờ đợi, đến khi nào có chỉ định mới nên làm. 

Ví dụ, các bạn muốn có một làn da săn chắc, nhưng trước đó các bạn mới tiêm filler để làm đầy rãnh cười hoặc làm đầy hóp má, làm đầy thái dương, mà sau đó các bạn lại làm hifu hoặc thermage, thì toàn nhiệt năng của những máy móc này sẽ làm tan filler, làm cho kỹ thuật làm đẹp trước đó bị biến dạng, thậm chí thay đổi cả gương mặt", bác sĩ Phương cảnh báo.

Ngoài ra, không phải ai cũng có thể phẫu thuật thẩm mỹ. Theo bác sĩ Phương, công nghệ ngày nay có thể nắnn chỉnh những đường nét trên khuôn mặt, cơ thể, do vậy những người có bệnh lý về nội khoa, mãn tính cần hết sức cẩn thận trước khi tiến hành những thủ thuật.

"Những người có bệnh lý nội khoa như tiểu đường, tim mạch...; bệnh mãn tính cần phải cân nhắc trước khi làm phẫu thuật, có thể thay thế bằng các biện pháp can thiệp nội khoa như tiêm filler, botox hoặc nhẹ hơn là laser để làm đẹp", bác sĩ Phương đưa ra lời khuyên.

Để trở thành người làm đẹp "thông thái"

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

"Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện tại những cơ sở được cấp phép, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cán bộ làm công tác thẩm mỹ có trình độ thì tỷ lệ rủi ro sẽ thấp hơn, nếu có xảy ra thì việc khắc phục cũng sẽ tốt hơn", bác sĩ Khoa cho hay.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa cũng khuyến cáo, trong quá trình thẩm mỹ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng, khách hàng cần thông báo ngay với cơ quan chức năng quản lý cơ sở thẩm mỹ đó để được hỗ trợ. Ngoài ra, người dân cũng không nên tiếp tục đến cơ sở thẩm mỹ đó để được sửa chữa, khắc phục mà phải đến các cơ sở uy tín, có kinh nghiệm về trường hợp của mình để được đánh giá lại, tìm ra biện pháp xử lý, tránh để xảy ra kết cục xấu nhất.

Cùng quan điểm với TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, TS.BS Uông Thanh Tùng cho biết người làm đẹp cần phải biết lựa chọn thông thái, lựa chọn các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có uy tín; phẫu thuật viên có bằng cấp, trình độ.

"Khi gặp trực tiếp, trao đổi với bác sĩ, chúng ta có thể xem được bằng cấp của bác sĩ, trình độ chuyên môn, thời gian công tác của bác sĩ đó. Hiện nay, có nhiều bác sĩ từ các chuyên ngành khác chuyển sang là phẫu thuật thẩm mỹ, đôi khi cả bác sĩ đông y cũng đi làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Do vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ. Một là cơ sở đó phải được cấp phép. Hai là phải xem người làm trực tiếp cho chúng ta có trình độ đào tạo bao lâu và cái kinh nghiệm bao nhiêu", bác sĩ Tùng đúc kết.

Về vấn đề làm thế nào để giúp khách hàng có thêm hiểu biết, kinh nghiệm làm đẹp an toàn, hiệu quả, TS.BS Lê Thị Chi Phương cho hay, ngoài chuyện tìm hiểu cơ sở đó có được cấp phép không, tay nghề bác sĩ như thế nào, khách hàng cũng cần đảm bảo những chất đưa vào cơ thể là an toàn.

TS.BS Lê Thị Chi Phương - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

TS.BS Lê Thị Chi Phương - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất tiêm filler, botox là hàng giả, hàng nhái, không an toàn cho người bệnh. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm filler nhưng lại dùng silicon để bơm vào người bệnh, dẫn đến các khối u, ung nhọt, khiến người bệnh bị đau nhức, sưng tấy xung quanh.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ chỉ đăng ký dịch vụ thẩm mỹ, nhưng lại tiêm chích filler và botox nhiều hơn so với các bác sĩ da liễu được đào tạo chính thức về các kỹ thuật này. Nguyên do đó là họ đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng thích rẻ và đẹp.

Các loại chất tiêm filler không rõ nguồn gốc có giá thành rẻ gáp 5,6 lần so với các chất tiêm filler chính hãng. Người dùng ham rẻ nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ "chui" giá rẻ để làm đẹp, đến khi gặp biến chứng thì đã quá muộn, phải tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ như "tiêm một lần đẹp vĩnh viễn" hay "chỉ một lần điều trị, từ làn da nhăn nheo sẽ trở nên căng mướt, bóng mộng như trẻ hơn 20 tuổi". Thực chất, đây chỉ là những lời quảng cáo hoa mỹ từ các cơ sở thẩm mỹ. Trên thực tế, làm đẹp cần phải có một liệu trình điều trị nhất định chứ không thể làm đẹp ngay và luôn được.

Các khách mời chia sẻ tại toạ đàm.

Các khách mời chia sẻ tại toạ đàm.

Tổng kết lại, làm đẹp là một nhu cầu chính đáng của không chỉ chị em phụ nữ mà còn của nam giới. Tuy nhiên, làm đẹp thế nào để vừa đạt được yếu tố thẩm mỹ như mong muốn, vừa đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, hạn chế tối đa rủi ro không mong muốn là vấn đề cần phải cân nhắc. Trước thực trạng ngày càng nhiều cơ sở làm đẹp tràn lan như hiện nay, người dùng cần phải biết cách lựa chọn những cơ sở làm đẹp uy tín, bác sĩ chuyên môn dày dạn kinh nghiệm. 

Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ nhu cầu, thể trạng của mình để lựa chọn những dịch vụ làm đẹp phù hợp. Không nên ham rẻ, nóng vội làm đẹp ngay mà tin vào những lời quảng cáo "có cánh" của các đơn vị làm đẹp "chui", dẫn đến những hậu quả không mong muốn, tổn hại cả về sức khoẻ, tiền bạc và tinh thần của chính mình.

Kính mời quý vị theo dõi nội dung đầy đủ chương trình tọa đàm "An toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ" tại đây.

Quỳnh Chi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm đẹp an toàn trong thời kỳ 'bùng nổ' phẫu thuật thẩm mỹ