Để ứng dụng CNTT hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên cần chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật và thao tác sử dụng thiết bị, phối hợp nhịp nhàng với các phương pháp dạy học khác; bảo đảm bố trí hợp lý thời gian cho một tiết dạy, chủ động trong mọi tình huống. Dù có những ưu thế vượt trội nhưng cũng không được tuyệt đối hóa và lạm dụng phương pháp này, làm mờ nhạt vai trò của người giáo viên.
Các bà, các mẹ ở tỉnh Sa Đéc (khu vực Đồng Tháp ngày nay) đi học chữ trong kháng chiến chống pháp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Trong học tập, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Khi học sinh hứng thú, yêu thích học tập bộ môn thì kết quả học tập rất khả quan. Hiện nay, do tác động của một số nguyên nhân, nhiều học sinh không yêu thích bộ môn Lịch sử. Thực trạng ấy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và kết quả học tập.
Để khắc phục tình trạng trên, cô Phạm Thị Hằng cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc sử dụng tranh ảnh kết hợp với tài liệu thành văn để tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Tài liệu thành văn được hiểu là những sử liệu cho ta thông tin về các sự kiện xảy ra được ghi lại bằng chữ viết qua các kênh thông tin khác nhau. Nguồn tài liệu này chiếm khối lượng lớn và đặc biệt quan trọng, đôi khi chiếm vị trí chủ yếu trong các nguồn sử liệu. Tài liệu thành văn là nguồn sử liệu quý giá góp phần làm sáng tỏ những sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đây là nguồn sử liệu đã được thời gian và thực tiễn lịch sử sàng lọc, kiểm chứng, có độ tin cậy khoa học cao. Việc kết hợp sử dụng tài liệu thành văn (nghe) và tranh ảnh (nhìn) sẽ tạo hiệu quả tổng hợp trong dạy học lịch sử.
Cô Phạm Thị Hằng ví dụ: Khi dạy mục 3. III, bài 17, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, để giải quyết nạn dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Giáo viên sử dụng bức ảnh lớp bình dân học vụ trong tình huống này.
Cùng với đó, giáo viên kết hợp với tài liệu thành văn sau là bài viết “Chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức ảnh lớp bình dân học vụ” còn có thể kết hợp với đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu:
“... Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”
Đoạn tài liệu và 2 câu thơ trên sẽ giúp bổ sung, cụ thể những nội dung sách giáo khoa, góp phần làm sáng rõ vấn đề; giúp học sinh hiểu rõ hơn tại sao mù chữ là một vấn nạn và tầm quan trọng cần phải giải quyết nạn dốt, những khó khăn trong việc giải quyết nạn dốt. Qua đó cũng giáo dục cho học sinh ý thức học tập tốt hơn.
Cô Phạm Thị Hằng cho rằng: Dạy học lịch sử có nhiều con đường, biện pháp để phát triển tư duy học sinh. Một trong những biện pháp là sử dụng tài liệu thành văn kết hợp với bản đồ giáo khoa để xây dựng hệ thống bài tập nhận thức.
Thiết kế bài tập nhận thức trên cơ sở tài liệu thành văn có thể nêu ra vào đầu giờ học hoặc trước mỗi mục nhằm tập trung sự chú ý và lôi cuốn học sinh. Câu hỏi phải mang tính chất là một bài tập nhận thức nhưng phải tập trung vào những nội dung cơ bản của bài học.
Ví dụ: Khi dạy học mục 3. III, bài 17, sách giáo khoa Lịch sử 12, giáo viên có thể cho học sinh xem bức ảnh “Lễ ký kết hiệp định sơ bộ”và nêu câu hỏi: “Vì sao Đảng và chính phủ cách mạng của ta lại chủ trương hòa với Pháp ký hiệp định sơ bộ 6/3/1946?”.
Qua đó giúp học sinh thấy được đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh “cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược”, phân hóa, cô lập kẻ thù cao độ. Nhờ vậy ta vượt qua được khó khăn, hiểm nghèo và bảo vệ được chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho toàn quốc kháng chiến.