Lạm phát tăng cao kỷ lục khắp thế giới

PV | 15/07/2022, 22:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Tại Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" ngày 15/7, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang nhận định, lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp thế giới, vượt kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề .

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang cho rằng: Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, khiến giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Điều này khiến đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 ngày càng gập ghềnh hơn và có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm cục bộ.

“Vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề”, ông Giang nhấn mạnh.

yuuu.png
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo đó, lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1% gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.

Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44%. Chủ tịch VFCA cho rằng, đây là thành công của Chính phủ, nhất là khi các mặt hàng thiết yếu trong nước dồi dào, đời sống của người dân được đảm bảo. Dù vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm 2022, theo ông Giang, là khó khăn và còn ít dư địa.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin thêm, rằng lạm phát là một trong 3 chủ đề được EU và G20 thảo luận sắp tới, bên cạnh nợ công và năng lượng.

Đề cập tới mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, ông Lực cho rằng công tác dự báo "hiện khó thực hiện trong dài hạn" và "chỉ phù hợp trong 1-2 tháng". 3 nguyên nhân được chuyên gia kinh tế này chỉ ra, là: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; Chi phí đẩy tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng; Chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

Ba tác động này, cộng thêm giá phân bón, giá lương thực, thực phẩm tăng khoảng 20% khiến dự báo về mức tăng trưởng cả năm 2022 chưa thể chính xác, dù nhiều chỉ số tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã trở về mức trước dịch Covid-19.

anh-ht.png
Hội thảo ‘Lạm phát, lãi suất và chứng khoán’ do VFCA và VFS tổ chức.

Các chỉ số cân đối lớn cơ bản về trạng thái trước dịch (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Chỉ có khác biệt là tăng trưởng tín dụng gấp rưỡi. Năm nay dư địa tăng trưởng tín dụng từ giờ tới cuối năm eo hẹp hơn, đây là thách thức trong việc phục hồi kinh tế.

Đánh giá về áp lực đối với lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Lực cho rằng giá hàng hóa thế giới còn tăng và Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.

Cùng với đó, lương tối thiểu vùng, phí giáo dục, giá dịch vụ y tế… tăng từ tháng 07/2022 và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, giá nguyên nhiên liệu tạo áp lực lạm phát.

Đà hồi phục kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng tạo ra áp lực lạm phát do cầu kéo.

Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp, theo ông Lực, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất lao động.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên áp dụng mô hình 6Rs, bao gồm: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng).

“ Chúng ta bây giờ phải đầu tư dài hơi hơn. Giữa các kênh đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng, USD, đối với đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư đầu tư 5 năm thì lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm, đầu tư 10 năm thì lợi nhuận là 15,8%/năm. Giờ không phải là cuộc chơi ngắn hạn mà là marahthon. Lợi nhuận của kênh đầu tư cổ phiếu lớn hơn cả kênh bất động sản. Nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Về vàng, đây không còn là kênh đầu tư quá hấp dẫn như trước thì chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ hơn, và có nhiều kênh khác hấp dẫn hơn, ông Lực khuyến nghị.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của Ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ.

“Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”, ông Nghĩa cảnh báo.

Bài liên quan
Hội thảo ICOAF 2022: Bắt mạch tình hình tài chính toàn cầu hậu Covid-19
Ngày 10/6, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Viện nghiên cứu tài chính toàn cầu tại Trường ĐH New South Wales (Úc) và ĐH Aston (Anh quốc) tổ chức Hội thảo Quốc tế về Kế toán và Tài chính ICOAF 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát tăng cao kỷ lục khắp thế giới