Trao đổi về công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết: Để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, mỗi trường nên có một chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên ngành. Chuyên gia này hằng năm cần bổ sung, cập nhật kiến thức về tư vấn tâm lý trường học. Đồng thời, vị trí tư vấn tâm lý học đường cũng có biên chế để phát huy vai trò.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành tư vấn tâm lý cho trường phổ thông. Công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, các đoàn thể địa phương trong việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh cần thiết được tăng cường…
Hoạt động ngoại khóa sân khấu học đường tổ chức tại Trường THPT Đoàn Văn Tố (Sóc Trăng). |
Để công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý học đường phát huy hiệu quả, TP Cần Thơ chủ động xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường và tổ tư vấn tâm lý trường học. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, trong quá trình phát triển, các em đối diện với thay đổi về thể chất cũng như môi trường sống và học tập. Phải điều chỉnh hành động, ứng xử các tình huống nên nhiều em cảm thấy bất an, lúng túng, mất phương hướng.
Việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học đường sẽ giúp các em có kỹ năng, kiến thức và giải pháp ứng xử với các tình huống… Đến nay, 100% trường học ở TP Cần Thơ đều có phòng tư vấn tâm lý và tổ tư vấn tâm lý. Bước đầu các phòng tư vấn, tổ tư vấn học đường phát huy hiệu quả, hiện tượng tiêu cực do tâm lý của học sinh ngày càng được khắc phục.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời gỡ rối các vấn đề về tâm lý cho học sinh. Đặc biệt là sau khoảng thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Không ít học sinh khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài có biểu hiện của trầm cảm, dễ bị kích động… Đây là vấn đề đáng lo lắng, cần phát hiện và sớm đưa ra giải pháp giải quyết kịp thời.
Trên thực tế, việc tư vấn tâm lý học đường không phải đến khi xảy ra sự việc mới dùng giải pháp can thiệp, mà đây là việc làm thường xuyên trong các trường học. Nhiều trường học ở Tiền Giang đã đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, vì đây là những người thường xuyên gần gũi, chăm lo, tiếp xúc nhiều với học sinh.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), trong quá trình dạy học, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của học sinh. Từ đó kết hợp với các bộ phận có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề, vụ việc. Bên cạnh công tác tư vấn tâm lý, nhà trường còn có mô hình Hộp thư xanh và Hộp thư điện tử, là những địa chỉ đáng tin cậy để gỡ rối tâm lý cũng như các vấn đề học tập cần thiết cho học sinh...