Wang cho biết có một sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc ở khu vực bờ biển phía đông bắc của đảo Đài Loan. Dù vậy, trong 10 năm lặn và quan sát sinh vật biển trong khu vực, đây là lần đầu tiên Wang nhìn thấy một con "cá động đất" còn sống, theo trang UDN.
Việc con "cá động đất" mà nhóm của Wang bắt gặp gần mặt biển là rất hiếm vì loài này thường sống ở vùng nước sâu. Theo Taiwan News, có thể con cá quay trở lại vùng nước ấm hơn ở gần mặt biển để đẻ trứng.
"Cá động đất" xuất hiện gần đảo Đài Loan. Ảnh: Facebook Wang Cheng-ru
Thông thường, các ngư dân thấy "cá động đất" trôi nổi ở mặt biển trong tình trạng đã chết hoặc chỉ còn thoi thóp. Loài này đôi khi cũng trôi dạt vào bờ.
Tháng 6/2022, một ngư dân ở thị trấn Thái Ma Lý, huyện Đài Đông, đảo Đài Loan câu được một con "cá động đất" dài 6m, nặng gần 130kg.
"Cá động đất" còn gọi là "rồng biển" thường sống ở những vùng nước sâu, tĩnh lặng nên không phát triển nhiều cơ bắp để trụ vững trước những dòng chảy mạnh hơn ở những vùng nước gần bề mặt
Theo niềm tin truyền thống của nhiều ngư dân ở Đài Loan và Nhật Bản, nếu "cá động đất" xuất hiện nhiều, rất có thể một trận động đất sẽ xảy ra trong tương lai gần hoặc xa.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học không đồng tình với quan niệm trên.
Theo Guardian, năm 2019, một số chuyên gia đã so sánh hồ sơ về các lần bắt gặp "cá động đất" với hồ sơ động đất trong khoảng 91 năm. Họ không tìm thấy liên hệ nào giữa “cá động đất” và các trận động đất lớn. Vì trong số 363 lần loài này xuất hiện và 221 trận động đất 6 độ Richter trở lên ghi nhận từ năm 1928 đến 2019, chỉ có một lần động đất xảy ra trong vòng 30 ngày và trong bán kính 100km kể từ khi phát hiện "cá động đất".