Công nhân đi xin việc trong khu công nghiệp Đại Đăng, Bình Dương Ảnh: H.C
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Thiên Nam (Bình Dương), thừa nhận, đang thiếu đơn hàng sản xuất nên thu gọn một nhà máy. “Công ty có 5 nhà máy sản xuất sợi với 1.100 lao động, nay đóng cửa một nhà máy, dồn công nhân về 4 nhà máy còn lại. Chúng tôi thu gọn một phần dây chuyền sản xuất nhưng vẫn bảo đảm được việc làm, thu nhập cho toàn bộ lao động” - ông Vinh nói.
“Ngoài câu chuyện thiếu đơn hàng, một lý do khác khiến DN ít tuyển dụng lao động phổ thông là đã thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại” - ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takakao Việt Nam (Bình Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh bơm, mô tơ pít-tông thủy lực, cho biết.
Theo ông Luân, trải qua đợt dịch bệnh COVID-19, cần phải thay đổi để tồn tại. Nếu như trước đây phải cần 4 nhân công vận hành dây chuyền sản xuất, thì hiện nay sau khi ứng dụng công nghệ hiện đại, chỉ cần một kỹ sư nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm được giá thành. Đối với lao động phổ thông, thay vì cần khoảng 1.000 công nhân như trước thì nay chỉ cần vài trăm người.
Bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Đức Kim Tinh (chuyên sản xuất sắt, thép, gang ở tỉnh Bình Dương), nói rằng, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị mới, hiện đại.
Khi chưa có máy móc hiện đại, công ty chỉ sản xuất 600kg/ngày, còn nay tăng lên 2 tấn/ngày, đồng thời giảm đáng kể phôi lỗi so với việc tạo phôi chỉ bằng sức người.
“Kể từ khi đầu tư máy móc, công ty chủ động trong sản xuất. Nếu như trước đây cần khoảng 500 công nhân mới đáp ứng yêu cầu thì nay chỉ cần khoảng 100 người” - bà Nhung nói.
Đỏ mắt tìm việc
Từ sau Tết nguyên đán 2023 đến nay, mỗi ngày ở các khu công nghiệp tại Bình Dương như VSIP, Đại Đăng, Sóng Thần, Kim Huy… có nhiều người cầm hồ sơ đến xin việc. “Tôi từng làm việc tại Công ty TNHH APRo Technology (TX Tân Uyên, Bình Dương). Cuối năm 2022, do công ty thiếu đơn hàng, tôi thuộc diện cắt giảm biên chế nên trở về quê. Sau Tết, tôi trở lại Bình Dương tìm việc nhưng hơn một tháng nay chưa nơi nào nhận” - anh Trần Hữu Duật (quê Đồng Tháp) chia sẻ.
Hiện tại, các DN thường đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn trước, yêu cầu người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo tay nghề để vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.
Sau một thời gian xin nghỉ về quê Cà Mau giải quyết chuyện gia đình, anh Lê Minh Nhí (trước đây làm việc tại Công ty Wanek (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trở lại Bình Dương tìm việc. Anh cho biết: “Tôi trở lại Bình Dương gần một tháng qua, đã gửi hồ sơ ở hai công ty nhưng họ trả lời phải có tay nghề, trình độ học vấn 12/12. Thời điểm này những năm trước, DN tìm không ra lao động nhưng nay thì ngược lại”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhìn nhận, nhiều DN trong ngành gặp khó về đơn hàng nên cần phải thay đổi kế hoạch sản xuất, linh động xoay chuyển để giữ nhịp sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. “Để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, DN cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh theo từng quý, thay đổi kế hoạch dài hạn sang ngắn hạn, giảm tối đa hàng tồn kho… Đồng thời DN phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường, các xu hướng mới để ứng biến kịp thời, hạn chế thấp nhất các rủi ro” - ông Hồng nói.
Đứng trước cổng Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Sóc Trăng) cho hay, nghe tin công ty tuyển lao động phổ thông không cần bằng cấp, chị đến rất sớm để nộp hồ sơ nhưng bảo vệ nói đã nhận đủ.
“Thời gian này đi tìm việc không hề dễ dàng như trước. Mấy ngày nay, tôi vừa đi xin việc vừa lượm ve chai để trang trải cuộc sống” - chị Tuyết thở dài.
Tại các buổi kết nối việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM) diễn ra gần đây, số người đến tìm việc khá nhiều nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu khá khiêm tốn.
Ông Phạm Thành Hải, bộ phận tuyển dụng Công ty CP Thực phẩm Cholimex, cho biết, đơn vị cần tuyển hơn 500 lao động phổ thông, lao động có chuyên môn, tuy nhiên việc tuyển dụng hiện nay gặp tương đối nhiều khó khăn, nhất là đối với lao động phổ thông do đa số không có tay nghề, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Khi tuyển dụng lao động không có tay nghề, chúng tôi phải mất từ 1-2 năm để đào tạo, nhưng sau khi ra nghề, chưa chắc họ đã tiếp tục gắn bó với công ty. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề khá rủi ro” - ông Hải nói.
Hỗ trợ lao động mất việc
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương), cho biết, năm nay số DN kết nối tuyển dụng lao động với trung tâm khá ít, trong khi số lao động cần việc làm rất đông.
“Trung tâm vừa kết nối tìm việc trực tiếp, gián tiếp; dù DN chỉ cần một lao động, trung tâm vẫn ghi nhận, đăng tải tìm việc. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao” - ông Phương nói.
Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết, Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp để có đội ngũ công nhân trình độ cao, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của DN. “Bình Dương cũng có chính sách tiếp nhận đào tạo nghề đối với công nhân thất nghiệp do DN sa thải” - ông Tài nói.
Nhằm hỗ trợ công nhân, giúp DN ổn định thị trường lao động, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho 2 đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh và người lao động bị tạm hoãn công việc từ 30 ngày trở lên. Các địa phương đã giải ngân tiền trợ cấp này cho khoảng 1.000 lao động.