Sự cố liên quan đến gian lận thi cử tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã phản ánh thực tế ở một số nơi, việc học chưa thật, thi chưa thật, từ đó khó có thể cho ra nhân tài thật. Một khi “học thật, thi thật” thì mới đạt được mục tiêu bồi dưỡng nhân tài. Đây phải là những nhân tài phải được trưởng thành qua môi trường học tập, thi cử thực chất, trung thực thì mới tạo ra tinh hoa cho đất nước.
Theo tác giả Trần Trung Hiếu, khi nêu vấn đề và triển khai đề tài này, điều may mắn là đa số các địa phương, nhà trường đều nhận được sự đồng thuận. Từ đội ngũ cựu giáo chức, các thầy cô hay nhà quản lý giáo dục đều mong chờ những bất cập của ngành Giáo dục từng bước được tháo gỡ. Nhân dân đang kỳ vọng, Chính phủ đang tin tưởng ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ làm được điều này.
"Chúng tôi hi vọng thông qua tác phẩm và những giải pháp nêu ra, những nhà hoạch định chính sách của ngành Giáo dục sẽ có cơ sở và có thêm tư liệu để nghiên cứu, cân nhắc và áp dụng các giải pháp mang tính khả thi, thực tế và nhân văn. Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới giáo dục thì rất cần những ý kiến mang tính phản biện. Mục đích để chỉ ra những bất cập, những điều đúng thì phải ghi nhận và lan tỏa, điều gì chưa đúng thì góp ý chân thành, thiện chí, trách nhiệm" - thầy Hiếu nhấn mạnh.
Trong hai năm 2021 và 2022, thầy Trần Trung Hiếu là giáo viên duy nhất của cả nước vinh dự được nhận giải Báo chí toàn quốc về sự nghiệp giáo dục. "Trong các năm tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục tham gia Giải để gửi gắm thêm những ý kiến tâm huyết tới các nhà quản lý. Mong chờ cao nhất của chúng tôi là lan tỏa những giá trị mà dư luận xã hội quan tâm và cần sự sẻ chia của xã hội đối với giáo dục. Công cuộc đổi mới giáo dục còn những gian nan, do đó dư luận xã hội cần đồng hành với ngành giáo dục", thầy Hiếu nói.