Trên cơ sở trên, trung tâm đã đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về chương trình học tập suốt đời trên nền tảng số; tuyên truyền các ứng dụng, trang web trắc nghiệm hướng nghiệp dành cho học sinh THCS và THPT; tổ chức toạ đàm, khoá học kỹ năng sống trực tuyến kết hợp trực tiếp để thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh có thể trang bị những kĩ năng cần thiết để có thể làm việc, học tập một cách tự chủ, không bị gián đoạn bởi các yếu tố xung quanh.
Còn trong các trường học, học tập suốt đời là một trong những chủ điểm giáo dục quan trọng, xuyên suốt. Thầy giáo Phạm Ngọc An, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh Trường THCS Hưng Đạo (Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), cho biết: Liên đội đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi để hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời.
Nhà trường khuyến khích học sinh xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ cho nhau phương pháp học tập để cùng tiến bộ. Những bạn học giỏi sẽ kèm cặp hoặc giảng bài cho các bạn học yếu hơn trong giờ truy bài đầu giờ... Việc học tập không chỉ gói gọn trong văn hóa mà còn là các hoạt động tích luỹ kỹ năng sống, kỹ năng mềm và tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống. Các hoạt động này giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về việc học tập suốt đời và nuôi dưỡng tinh thần tự học và học tập suốt đời.
Không chỉ học tập qua sách vở, Liên đội Trường THCS Hưng Đạo mong muốn nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời thông qua rèn luyện thói quen đọc sách. Từ năm 2015, thư viện nhà trường được hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung nguồn sách dồi dào và trở thành nơi giao lưu, học hỏi kiến thức mới của học sinh nhà trường. Để lan tỏa phong trào đọc sách, vào các giờ chào cờ hoặc sinh hoạt tập thể, nhà trường thường khuyến khích học sinh chia sẻ về cuốn sách yêu thích, kể chuyện theo sách hoặc sân khấu hóa các câu chuyện giàu giá trị giáo dục trong sách...
Anh Vũ Phong Kỳ, giáo viên tại Trung tâm Nâng cao năng lực cho người khuyết tật Nghị Lực Sống, Hà Nội. Ảnh: Tú Anh |
Phong trào học tập suốt đời được ngành Giáo dục cũng như chính quyền huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đặc biệt chú trọng. Theo đó, trên địa bàn huyện có 18 dòng họ đã được ngành Giáo dục vận động và thành lập mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập.
Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho biết: “Khi triển khai phong trào xây dựng xã hội học tập, chúng tôi mong muốn xây dựng cho học sinh, người dân ý thức học tập. Học ở đây không có nghĩa là đang tuổi cắp sách đến trường, là học sinh mới học, mà Phòng Giáo dục muốn khích lệ người dân trên địa bàn học tập những mô hình làm kinh tế giỏi, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; hay cùng nhau xây dựng làng, xã văn minh, xoá đi những hủ tục lạc hậu, phong kiến. Song song với đó, truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu về giá trị của việc học tập suốt đời, từ đó lan toả phong trào trên địa bàn huyện Văn Quan”.
Ông Hiền cho biết thêm, một trong những dòng họ có nhiều mô hình hay, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời tốt ở Văn Quan là dòng họ Hà ở thôn Khòn Khẻ, xã Bình Phúc.
“Không chỉ yêu cầu người dân trong dòng họ phải cho con, cháu đi học đúng tuổi, mà họ còn động viên khích lệ qua hoạt động khen thưởng thành tích học tập, hỗ trợ bàn ghế, tạo góc học tập, trang bị tủ sách dòng họ để các em đến đọc.
Đặc biệt, họ trang bị máy tính có kết nối mạng Internet tại nhà thờ họ để các em có thể đến học tập; tổ chức cho những em nào đạt thành tích xuất sắc đi thăm quan nhằm động viên khích lệ tinh thần học tập; nhờ vậy mà phong trào học tập được nhân rộng. Nhiều dòng họ khác ở địa bàn huyện cũng đang học tập mô hình này để nhân rộng”, ông Hiền cho biết.
Tại xã Khánh Nhạc, phong trào học tập suốt đời được xây dựng và phát triển một cách bài bản. Theo đó, chính quyền đã yêu cầu Hội Khuyến học xã kết hợp với trường tiểu học và THCS trên địa bàn để phân công nhiệm vụ, tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển phong trào học tập suốt đời đến tất cả xóm, dòng họ có trên địa bàn xã.
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) cho biết: “Hiện nay, xã Khánh Nhạc đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, theo đó hai trường THCS và tiểu học sẽ phụ trách một mảng khác nhau. Đối với trường tôi, chúng tôi được phân công mảng chuyên đề; THCS thì phụ trách bổ túc văn hoá, Hội Khuyến học xã phụ trách về mảng học tập suốt đời tại thôn xóm”.
Đối với nhiệm vụ phụ trách tổ chức các chuyên đề, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B đã chọn các chủ đề gần gũi với cuộc sống, thực tế người dân như: Sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, chăn nuôi, mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lồng ghép hướng dẫn cho phụ huynh chủ đề dạy con trước khi vào lớp 1, cách giáo dục kỹ năng sống cho con…
“Mỗi chuyên đề, chúng tôi sẽ rà soát sau đó xây dựng theo thực trạng địa phương; triển khai phối hợp với bí thư, xóm trưởng của các xóm đăng ký gia đình học tập, dòng họ học tập. Các gia đình sẽ dựa trên các chuẩn mà chúng tôi đưa ra để phấn đấu. Với từng chủ đề được lựa chọn, chúng tôi mời những chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực đó, đồng thời họ sẽ cố vấn, hỗ trợ cho người dân khi có nhu cầu”, cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) chia sẻ.