Lắng nghe học sinh nói

15/12/2023, 07:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát ý kiến, diễn đàn để các em bày tỏ suy nghĩ, hiểu biết, sẻ chia...

Lắng nghe ý kiến học trò

Tại Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), để phát huy tiếng nói của học sinh, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động: Cho học sinh nghiên cứu bài học dưới sự hướng dẫn của thầy cô; khuyến khích tham gia dự án giáo dục nhỏ. Từ đó, các em đưa ra quan điểm, hiểu biết, suy nghĩ ngay trong tiết học hoặc hoạt động; giáo viên là người tổng hợp ý kiến đánh giá, đưa ra kết luận.

“Chúng tôi nhấn mạnh với giáo viên quá trình dạy học không gò ép theo khuôn mẫu. Thầy cô cần lắng nghe tất cả ý kiến của học trò. Đa dạng hoá tiết học, hoạt động giáo dục để các em khám phá kiến thức, lấy người học làm trung tâm…

Như vậy sẽ phát huy được dân chủ, chất lượng giáo dục nâng lên, các em cảm thấy thoải mái trong quá trình học tập. Giáo viên giảng dạy cũng thêm hiểu học sinh có điểm mạnh, yếu nào để thúc đẩy hoặc tìm phương án điều chỉnh hợp lý”, cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm nói.

Ngoài tạo môi trường học tập thân thiện cho học trò, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An) cũng đặc biệt quan tâm, lắng nghe ý kiến học sinh để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp các em phát triển thế mạnh bản thân.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa chia sẻ: “Với đặc thù trường dân tộc nội trú, học sinh học tập, sinh hoạt tại trường, để thấu hiểu các em, ban giám hiệu, giáo viên luôn tạo không khí đối thoại cởi mở, dân chủ giữa thầy cô với học trò; học trò với học trò”.

Đồng thời, nhà trường sử dụng nhiều phương pháp nhằm lắng nghe ý kiến học sinh như: Vấn đáp (hỏi và trả lời trực tiếp) trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, trong lớp, hoạt động ngoại khoá; tổ chức lấy ý kiến qua phiếu khảo sát để nắm bắt thông tin, nguyện vọng; lắng nghe góp ý của học sinh qua các diễn đàn để đối thoại, trao đổi, tranh luận; lập hòm thư xây dựng ý kiến...

“Đặc biệt, qua các dự án học tập tạo cơ hội để học sinh tự thiết kế sản phẩm, trình bày quan điểm, suy nghĩ. Thậm chí, tăng cường “kênh” của tổ chức Đoàn, bộ phận nội trú, giáo viên chủ nhiệm lớp, phụ huynh để tìm hiểu, thu thập nguyện vọng học sinh. Chính vì vậy, chúng tôi nắm khá rõ tâm tư, nguyện vọng, biết các em đang khó khăn ở đâu, cần hỗ trợ gì.

Học trò khi được lắng nghe ý kiến, quan điểm sẽ thấy được tôn trọng, từ đó khích lệ tinh thần tự học, nghiên cứu bài; các hoạt động giáo dục hiệu quả và đạt chất lượng như kỳ vọng”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa nói.

“Hiện 100% trường học ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) có phòng tư vấn tâm lý học đường, thành lập ban tư vấn tâm lý để học sinh được phát huy tiếng nói dân chủ khi có tâm tư, áp lực từ học tập, cách ứng xử thiếu tôn trọng của bạn bè, thầy cô...”, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lang-nghe-hoc-sinh-noi-post664118.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lang-nghe-hoc-sinh-noi-post664118.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lắng nghe học sinh nói