Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, một trong những giải pháp được chuyên gia đến từ Sở An toàn thực phẩm TPHCM đưa ra là lắp camera để giám sát
Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, một trong những giải pháp được chuyên gia đến từ Sở An toàn thực phẩm TPHCM đưa ra là lắp camera để giám sát từ xa đơn vị cung cấp suất ăn bán trú.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức chương trình tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn năm học 2024 - 2025. Đợt tập huấn có sự tham gia của hơn 2.700 cán bộ quản lý của các phòng GD&ĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX trên địa bàn TPHCM.
Theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là một trong những nội dung quan trọng được phụ huynh, xã hội và ngành quan tâm; thuộc trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị. Địa phương hiện có hơn 2.400 trường học, chưa tính nhóm trẻ độc lập tư thục.
Trên thực tế, nhu cầu gửi con học cả ngày ở trường, trong đó có yêu cầu về tổ chức bữa ăn bán trú của phụ huynh khá lớn. Trong khi đó, cán bộ quản lý trường học không phải là nhà chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ làm công tác quản lý Nhà nước, trong đó có nội dung này.
“Hằng năm, Sở GD&ĐT TPHCM đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong các nhà trường. Ngành cũng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn ở các trường học”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường phải trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.
“Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người, chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm”, bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, năm học 2023 - 2024, toàn TPHCM chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường học, tuy nhiên nguy cơ rất cao. Do đó, việc nghiên cứu có thêm công cụ cho các trường tự kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại đơn vị là hợp lý. Bà Lan cũng khuyến nghị các đơn vị nâng cao chất lượng nguồn gốc thực phẩm đầu vào, tức thực phẩm không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần đạt những chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP….
“Ban giám hiệu nhà trường chịu nhiều áp lực khi lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú hay tổ chức căng tin trường học vì có nhiều lời giới thiệu. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, tôi mong lãnh đạo các trường luôn chú ý đến tiêu chuẩn cũng như đặt chất lượng bữa ăn lên hàng đầu. Đối với các đơn vị cung ứng suất ăn, phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ”, bà Lan nói.
Chia sẻ tại đợt tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn TPHCM năm học 2024 - 2025, ông Lê Phúc Đảm - chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Sở An toàn thực phẩm thành phố cho rằng, trường học cần nắm vững các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước cũng như quy định về an toàn thực phẩm.
“Hiện, nhiều trường học đi kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn từ 2 - 3 lần/năm học. Nếu đơn vị nào không sắp xếp được thời gian kiểm tra thực tế có thể yêu cầu bếp ăn lắp camera để giám sát từ xa, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh”, ông Đảm đề xuất.
Tại TPHCM, 100% trường mầm non công lập có bếp ăn, không sử dụng suất ăn công nghiệp, với cơ sở mầm non ngoài công lập cũng đạt hơn 80%. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như quy trình bếp ăn cho trẻ được quản lý và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên ở cấp tiểu học, THCS và THPT, nhiều cơ sở không thể tự tổ chức bếp ăn nên buộc phải hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú.
Do đó, công tác giám sát, theo dõi quy trình chế biến chưa được thường xuyên. Vì vậy, ý kiến đề xuất lắp camera giám sát tại đơn vị cung cấp suất ăn bán trú là một trong những giải pháp nhận được nhiều ý kiến đồng tình của lãnh đạo các cơ sở giáo dục.
Theo bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM), lắp camera tại các đơn vị cung cấp suất ăn cho nhà trường là hợp lý và cần thiết. Ban giám hiệu các cơ sở giáo dục có thể giám sát, theo dõi thường xuyên. Việc lắp camera giúp tinh thần trách nhiệm mỗi nhân viên nhà bếp nâng cao hơn. Đặc biệt, nếu có bất cứ vấn đề gì, việc truy xuất các khâu của quá trình chế biến, tìm nguyên nhân đều thuận tiện.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Quận 11 (TPHCM) khẳng định: “Thực tế hiệu trưởng chỉ quán xuyến và lo về công tác chuyên môn là chính, vấn đề bán trú sẽ phân công một phó hiệu trưởng phụ trách, nhưng đó cũng không phải chuyên môn của các nhà trường. Nếu lắp được camera sẽ hỗ trợ trường rất nhiều trong công tác giám sát các suất ăn hằng ngày cho học sinh”.
Đồng quan điểm, cô Hoàng Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhìn nhận, đề xuất lắp camera là việc nên làm, một giải pháp hợp lý. Bởi chính các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn bán trú cũng phải có camera để giám sát quy trình nấu ăn của nhân viên. Do vậy, những đơn vị có tâm và trách nhiệm thực sự sẽ không ngại việc này.
Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Uyên Hưng (huyện Tân Uyên, Bình Dương) cô Nguyễn Thị Hà lại cho rằng, lắp camera giám sát, vấn đề phối hợp giữa trường và đơn vị cung cấp sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, những ngày không đến trực tiếp đơn vị để kiểm tra được, thông qua camera, nhà trường, thậm chí phụ huynh có thể theo dõi các khâu nên cảm thấy yên tâm với chất lượng bữa ăn học sinh.
Ở góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Văn Quyết, có 2 con đang học tại trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, các trường không có bếp ăn bán trú phải hợp đồng với công ty bên ngoài nên khó kiểm soát chất lượng. Các công ty có đầy đủ giấy tờ để được cấp phép cung cấp thức ăn cho nhà trường nhưng như thế chưa đủ.
“Lắp camera giám sát các đơn vị này, tôi thấy hợp lý. Qua đó, ban giám hiệu sẽ theo dõi được thường xuyên, ngoài việc đến kiểm tra trực tiếp. Mặt khác, nếu có camera theo dõi, những người đứng bếp sẽ ý thức, trách nhiệm, cẩn thận hơn với công việc mình làm”.
“Đối với bữa ăn bán trú cho học sinh, việc kiểm tra, giám sát trực tiếp, thông qua hội cha mẹ học sinh đến kiểm tra hay thông qua camera đều rất tốt. Tuy nhiên, lắp camera giám sát chỉ là giải pháp báo cáo viên đề xuất, chia sẻ trong đợt tập huấn. Để tiến tới thực hiện, Sở GD&ĐT TPHCM cùng Sở An toàn thực phẩm phải bàn bạc thống nhất nhiều vấn đề. Chẳng hạn như người giám sát không phải ai cũng có thể làm được mà đòi hỏi phải có chuyên môn về lĩnh vực này…”, ông Dương Trí Dũng cho hay.