Dự thi tốt nghiệp THPT xong, Hảng A Lỷ (Đắk Lắk) trở về chăm con, rồi khăn gói đi học nghề cơ khí để sớm nuôi vợ con và lo cho mẹ.
Khu ký túc xá của Trường PTDT nội trú THCS Krông Bông là nơi nghỉ tạm cho 245 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Lắk) tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Phần lớn thí sinh phải đi hơn 30 km đường đồi núi để đến điểm thi. Trong số này, Hảng A Lỷ (sinh năm 2007, học lớp 12A6, dân tộc Mông) là trường hợp đặc biệt. Em là học sinh dân tộc thiểu số, gia cảnh khó khăn, bố mất sớm. Đặc biệt, em đã lập gia đình và trở thành cha khi mới 18 tuổi.
A Lỷ kết hôn từ đầu năm 2024 với Ma Thị Dính - bạn học cũ cùng tuổi. Họ nên duyên sau khi gia đình hai bên chấp thuận, tổ chức lễ cưới giản dị chỉ vài con heo, con gà. Hiện Lỷ, vợ và mẹ đang sống tại thôn Cư Đhiắt, xã Cư Đrăm. Cả ba cùng xoay xở trong căn nhà nhỏ giữa vùng rẫy. Vợ Lỷ làm thuê cả ngày, nên những hôm đi thi, Lỷ phải gửi con gái - mới gần 5 tháng tuổi - cho mẹ trông giúp.
“Mấy hôm nay đi thi em nhớ con lắm, nhưng cũng phải cố gắng cho xong kỳ thi. Con em sinh hôm 29/1, đến nay cũng cứng cáp một chút rồi. Em và vợ học chung từ nhỏ, thương nhau từ lâu. May mắn là hai bên gia đình đều hiểu và ủng hộ, chỉ mong bọn em sống hòa thuận, biết lo làm ăn”, Lỷ chia sẻ.
Cậu học trò người Mông này là con trai út trong gia đình ba mẹ con. Bố mất khi Lỷ còn nhỏ, hai chị gái đã đi lấy chồng. Một mình mẹ em cáng đáng việc rẫy nương, nuôi heo gà, lo cơm áo từng bữa cho cả nhà. Lỷ thấu hiểu nỗi cực nhọc ấy nên luôn cố gắng học hành, phụ giúp mẹ những khi rảnh rỗi.
“Em học để sau này đi học nghề, kiếm cái nghề ổn định nuôi vợ con và đỡ đần mẹ. Không cần gì cao sang, chỉ mong làm người tử tế, sống đủ ăn là mừng rồi”, em bộc bạch.
Dù điều kiện khó khăn, Lỷ vẫn duy trì được học lực Khá trong suốt những năm học THPT. Khác với nhiều bạn bè cùng lớp thi xong sẽ ôn tiếp đại học, Lỷ chọn con đường học nghề. Ngay sau kỳ thi, em dự định đăng ký học cơ khí tại một trường nghề ở Đắk Lắk.
“Em thấy mình hợp với nghề này. Hồi nhỏ em thường lấy gỗ, ống tre, vỏ xe cũ về làm bàn ghế, xe đồ chơi. Giờ học bài bản thì sau 2 - 3 năm có thể làm được việc rồi, không phụ thuộc ai. Trong lúc học cũng có thể vừa học vừa làm ở xưởng để kiếm thêm”, Lỷ nói.
Cùng lớp với Lỷ, em Thào A Lau chia sẻ: “Bạn Lỷ có khiếu làm mộc lắm. Trong nhà nhiều đồ dùng là bạn ấy tự tay làm. Có gia đình rồi nhưng bạn ấy càng học chăm hơn, chứ không lơ là. Chúng em vẫn hay đùa, trêu A Lỷ là ‘bố trẻ’ của lớp”.
Thầy cô và bạn bè đều ghi nhận A Lỷ là học sinh nghiêm túc, lễ phép, tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Với họ, hình ảnh cậu học trò nhỏ, sớm làm cha nhưng vẫn giữ vững tinh thần học tập, là tấm gương vượt khó đặc biệt.
Theo thống kê, gần 80% học sinh của trường vùng sâu này là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đa phần khó khăn. Việc các em học hết lớp 12 đã là một nỗ lực rất lớn. Bởi, một số em đến tuổi thường nghỉ học đi làm rẫy hoặc lấy vợ lấy chồng. Còn số học sinh kiên trì bám trường, quyết vượt nghèo bằng tri thức như A Lỷ rất ít.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, trường hiện có gần 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều học sinh đến tuổi thường nghỉ học đi làm rẫy, hoặc lập gia đình sớm. Vì vậy, việc các em học hết lớp 12 đã là một nỗ lực đáng ghi nhận, còn những trường hợp có định hướng rõ ràng như A Lỷ là rất đáng trân trọng.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, trước Kỳ thi, A Lỷ có tâm sự: Điều em mong nhất lúc này là có thể thi đạt điểm tốt nghiệp để đủ điều kiện đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề uy tín ở TP Buôn Ma Thuột. Em không cần bằng cấp cao, chỉ cần một nghề để sống tử tế, làm điểm tựa cho vợ con và mẹ già.
“Có lẽ, chính sự rõ ràng, chững chạc trong suy nghĩ của một cậu học trò 18 tuổi, vừa làm cha, vừa là con hiếu thảo, là điều khiến nhiều người thán phục A Lỷ,” ông Ngọc nói.
Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông - cũ) là một trong những cơ sở giáo dục vùng sâu đặc biệt khó khăn, từng nằm trong khu vực căn cứ cách mạng H9 thời kháng chiến chống Mỹ. Học sinh tại trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Mông, Ê đê, Tày, Nùng…, đa số có hoàn cảnh nghèo, nhà xa trường hàng chục cây số.
Mỗi năm, trường có gần 250 học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp 3 năm gần nhất luôn trên 99%. Trong đó tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp ngày càng tăng (hiện đạt hơn 40%), phản ánh sự chuyển dịch thực tế về nhu cầu học tập gắn với việc làm tại địa phương.