Cẩn trọng hơn với những giao dịch online Qua tiếp nhận tin báo tố giác bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy người dân vẫn rất chủ quan khi thực hiện các giao dịch online. Có trường hợp chưa hề xác minh về nhân thân người đang giao dịch mua bán với mình đã tin tưởng chuyển tiền, hoặc bị các đối tượng lừa đảo gửi hình ảnh giao dịch thành công giả, dù tiền chưa vào tài khoản vẫn chuyển hàng để rồi bị mất tài sản. Do đó, người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác, đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Trung tá Đoàn Văn Đông (Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, CAQ Bắc Từ Liêm) |
Cùng ngày, CAH Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đã tạm giữ hình sự Đỗ Thị Thuận (SN 1989, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo cơ quan chức năng, từ tháng 12-2022, đối tượng đã lập nhiều tài khoản trên Facebook và Zalo với các tên “Bé Thỏ”, ”Shop Quần Áo Bé Thỏ”, “Bé Thỏ Chuyên Sỉ Lẻ Quần Áo” để đăng tải nội dung thanh lý quần áo số lượng lớn trên các hội nhóm. Khi có khách hàng liên hệ, đối tượng sẽ gửi hình ảnh, video và báo giá thấp hơn giá thị trường.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, Thuận yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền cọc, đồng thời đưa ra 2 hình thức thanh toán là gửi hàng qua xe khách với điều kiện khách phải trả tiền trước 100%, hoặc gửi chuyển phát nhanh thu hộ (COD) và khách hàng chỉ phải trả trước 30%. Để tăng uy tín, đối tượng còn đóng hàng, chụp ảnh và gửi hàng cho nhà xe hoặc đơn vị chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế bên trong gói hàng chỉ có quần áo cũ, không còn giá trị sử dụng. Trong trường hợp nạn nhân yêu cầu gửi COD, đối tượng sẽ chụp thêm một số hình ảnh để nạn nhân tin tưởng và chuyển số tiền còn lại. Sau khi nhận tiền, đối tượng chặn toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo, cắt đứt liên lạc với khách.
Công an tỉnh Bắc Giang đấu tranh làm rõ một ổ nhóm lừa đảo bằng thủ đoạn mời mua vé máy bay giá rẻ
Chiếc bẫy mang tên vé máy bay giá rẻ
Một trong những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) đưa ra là chiêu trò mời chào mua vé máy bay giá rẻ. Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… của người dân để chiếm đoạt tài sản. Dù đây không phải một chiêu trò mới, nhưng thủ đoạn thao túng tâm lý của các đối tượng ngày một tinh vi khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy.
Chị Thanh Tâm (trú tại TP Đà Nẵng) là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này cho biết, gần đây chị có đặt mua vé máy bay qua một Fanpage Facebook có tên “Sunny Travel - Vé máy bay giá rẻ”, nhưng đã bị chặn liên hệ ngay sau khi chuyển tiền thành công. Đồng thời, toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa cả hai cũng đã bị đối tượng lừa đảo thu hồi. Hình thức lừa đảo của các đối tượng là tạo lập các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội để đăng bài quảng cáo, thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ đăng bài trên Facebook với nội dung bán vé máy bay giá rẻ. Sau đó chúng giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Đến khi bị hại chuyển tiền, lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ các tài khoản đã sử dụng và cắt liên lạc.
Bên cạnh hình thức giả mạo bằng tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Điển hình như vụ việc của anh N.V.Đ (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh Đ đã sập bẫy của những đối tượng sử dụng chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10 - 20%”. Ngay sau khi nhìn thấy quảng cáo về một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và khách sạn trực tuyến, nạn nhân đã chuyển cho đối tượng hơn 32 triệu đồng trong vòng chưa đầy một ngày.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website của hãng hàng không, hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé, kiểm tra xem có hiệu lực hay không, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
Lừa đảo bằng hình thức tuyển người lao động trên mạng xã hội dịp cận Tết cũng là chiêu trò mà nhiều đối tượng sử dụng trong những ngày qua. Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cho hay, càng cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng, làm thêm… càng được đăng tải liên tục. Theo đó, người tìm việc sẽ có mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay, cộng tác viên vận đơn… sẽ được chiết khấu hoa hồng lên đến 20%. Đối tượng nhắm chủ yếu đến các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền nên buộc phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như tài khoản bị đóng băng, hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
Đáng chú ý, đã xuất hiện những nhóm lừa đảo mạo danh luật sư, cơ quan tư pháp để giúp các nạn nhân lấy lại số tiền đã mất. Nhiều người đã trở thành nạn nhân lần thứ 2 khi tiền bị lừa không những không lấy lại được mà còn mất thêm một khoản “học phí” cho những đối tượng này.
Tết Nguyên đán cận kề, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội, xác minh kỹ thông tin trước khi giao dịch những khoản tiền lớn và cẩn trọng với những giao dịch online bởi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo càng ngày càng tinh vi, muôn hình vạn trạng. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự, thủ đoạn lừa đảo mà cơ quan chức năng cảnh báo…
Tìm nguồn tin cậy khi có nhu cầu đổi tiền mới Xác minh kỹ thông tin, cảnh giác với những lời mời chào đổi tiền trên mạng Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Theo điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019/CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ, hành vi đổi tiền trái phép có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng gấp 2 lần. Việc mua bán ngoại tệ không được cấp phép cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Quy định pháp luật đã hết sức cụ thể và rõ ràng, người dân nên tìm đến các cơ sở được phép đổi tiền để thực hiện giao dịch nếu có nhu cầu, không nên tin tưởng vào các cá nhân đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội khi mình không có thông tin nhân thân chính xác để tránh tiền mất thật mà tiền mới thì không có. Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |