Phóng viên tiếp cận, ngỏ ý muốn bán lại những món quà vừa xin được. Thấy phóng viên là người mới, bà B. liền ép giá khi nói nước suối chỉ mua với giá 1.000 đồng/chai, sữa đậu nành 2.000 đồng/bịch, mì ăn liền 2.000 đồng/gói. Khi bị than giá mua quá thấp, bà B. tỏ thái độ khó chịu: "Bây giờ có bán không? Không bán thì biến đi chứ đừng có nói nhiều".
Một lần khác, phóng viên bám theo người đàn ông xách túi quà to trên tay. Trước đó, người đàn ông này vừa xin vừa thu mua quà từ thiện ngay tại khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Địa điểm ông ta đến sau khi gom hàng là tiệm tạp hóa nằm trên đường Xuân Hồng. Tại tiệm, người đàn ông lấy ra từ bao đồ vô vàn vật phẩm như sữa, bánh, mì gói, nước suối... Tất cả đã được phân loại, đóng vào bao gọn gàng. "Tối nay là 165.000 đồng, cộng cái cũ là 245.000 đồng nha" - người đàn ông cất lời tính toán với chủ tiệm tạp hóa.
Biết bị lợi dụng nhưng...
Đều đặn 2 lần/tuần, chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (quận Tân Bình) cùng người thân trong gia đình đi phát quà từ thiện cho người ăn xin, người vô gia cư. Theo chị Vân, có rất nhiều người không thật sự cần những món quà đó, tuy nhiên, vì số đông tới than khổ, nài nỉ, chị khó xử nên phát luôn. "Mình đi làm từ thiện mà. Ai lợi dụng thì người đó mang tội" - chị Vân tự an ủi nhưng cũng cho hay rút kinh nghiệm sau nhiều lần phát hiện những món quà từ thiện bị mang đi bán, chị chuyển sang phát thức ăn như xôi, bánh mì, bánh canh... với hy vọng ai thực sự cần mới nhận những món quà của mình.
Với chị Đàm Thị Thu Hồng (huyện Bình Chánh), gần 1 năm nay, chị đi phát quà từ thiện tại nhiều tuyến đường của TP HCM. Những phần quà thường là xôi, bánh bao, cơm hoặc thực phẩm khô như bánh, sữa, nước suối để người nhận có thể trữ được lâu hơn.
Trao đổi với phóng viên, chị Hồng cho biết lựa chọn hình thức trực tiếp phát quà từ thiện mà không thông qua một đơn vị, tổ chức nào khác vì chị muốn biết được số tiền mình bỏ ra sẽ gồm những phần quà gì và được phát cho ai. "Nếu trao tiền cho một nhóm khác thì đôi khi cũng không biết được chính xác số tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào. Khi đã trao cho các tổ chức thì mình cũng không thể yêu cầu sao kê để biết được chi tiết về số tiền của mình... Tôi nghĩ mình tự đi làm từ thiện sẽ tốt hơn" - chị Hồng nói.
Về chuyện có thể phát nhầm, chị Hồng bày tỏ vẫn biết một số đối tượng không thật sự cần những phần quà này nhưng "nếu người ta sử dụng không đúng mục đích thì mình cũng không để tâm lắm, vì mình đang đi làm từ thiện mà".
Không muốn lãng phí chân tình Chị Đoàn Thị Thanh (quận Tân Phú) cùng chung suy nghĩ bất lực nếu có người không trân trọng quà chị mang tới. "Tôi biết có không ít người lợi dụng món quà từ thiện của mình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng đi làm từ thiện thì cứ làm thôi. Còn ai làm gì khác thì... đó là chuyện của người ta" - chị Thanh nói. Chị Thanh cũng cho hay từng bắt gặp những người cứ đều đặn tới giờ là xuất hiện, nhận quà, lựa đồ ngon, còn những đồ không phù hợp thì sẵn sàng bỏ đi. Vì thế, để không lãng phí sự chân tình hướng về những mảnh đời thực sự nghèo khó cũng như tránh cảm giác ấm ức vì lòng tốt bị lợi dụng, những lần sau này, chị đều nhìn người, phán đoán để phát quà chứ không đưa tràn lan như trước. Người ăn xin cất quà từ thiện vừa xin được vào nhà và trở ra xin tiếp. Ảnh: LÊ VĨNH Khi được hỏi vì sao không gửi kinh phí đến các cơ quan, tổ chức có chức năng tiếp nhận, phân phối các nguồn quà tặng để chăm lo cho người nghèo thì chị Thanh nêu lý do sẽ không biết rằng số tiền mình trao tặng có đến được tay những người thật sự cần hay không. "Tôi cứ tự đi thôi, thấy người nào cần thì tôi cho người đó" - chị Thanh lý giải về công việc xuất phát từ cái tâm của mình. |
Trong những lần ngồi đợi quà từ thiện, phóng viên nhiều lần chứng kiến cảnh khi người phát quà vừa rời đi, có bà cụ vội mở cánh cửa sắt của căn nhà ngay mặt tiền đường Trường Chinh ra để cất quà vào trong. Sau đó, bà cụ này nhanh chóng kéo cửa lại, tiếp tục ngồi đợi những phần quà từ thiện khác. |
(Còn tiếp)