Đến cầu Công Lý, quãng đường mới khoảng 4km nhưng đồng hồ nhảy đến 360.000 đồng, tương đương 90.000 đồng/km.
Tiếp đó, mặc dù xe đang dừng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần giao lộ Võ Thị Sáu) nhưng đồng hồ vẫn nhảy từ 450.000 đồng lên 480.000 đồng. Xe chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ giao lộ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Du khoảng 1km, đồng hồ nhảy từ 480.000 đồng lên 600.000 đồng, tức tăng thêm đến 120.000 đồng cho khoảng 1km.
Khác với tài xế Luân và Đạt, trong lúc lái xe Minh không chạm ngón tay trên cần số mà thỉnh thoảng rà tay dưới vô lăng. Minh thường đảo mắt về phía khách để dò xét.
Tới điểm đến trên đường Phạm Văn Nghị, Minh chỉ tay vào đồng hồ "hét" giá 1.350.000 đồng. Khách đưa ba tờ 500.000 đồng, Minh không có tiền thối, thấy trong ví khách có tờ 200.000 đồng nên "chỉ" lấy 1,2 triệu đồng cho cuốc xe trên.
Quãng đường cuốc xe chưa đến 15,5km, tính theo giá hãng và thêm phí trạm sân bay (10.000 đồng) thì khách chỉ trả khoảng 267.000 đồng, nhưng Minh đã "chặt chém" đến 933.000 đồng. Số tiền khách trả là 1,2 triệu đồng, cao hơn khoảng 4,4 lần giá hãng.
Gần đây, một số tài xế rỉ tai nhau về loại thiết bị có thể "bơm" khống số tiền cước hiển thị trên đồng hồ taxi. Thiết bị này có thể làm số tiền trên đồng hồ nhảy lên tùy ý, dù xe đang dừng. "Loại này nhỏ gọn khó phát hiện, có giá vài triệu đồng nhưng không phải tài xế nào cũng có gan gắn nhằm gian lận khách hàng", một tài xế nói.
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, ngoài vỏ bọc là tài xế taxi hãng thì Đạt và Minh còn kiêm luôn việc gắn thiết bị gian lận tiền cước cho cánh tài xế taxi ở sân bay có nhu cầu. Bên cạnh việc tung chiêu gian lận hành khách đi taxi, hai tài xế trên còn móc nối với nhau trong việc lắp đặt thiết bị trên. Cả hai đều kín tiếng, không nói nhiều về "món hàng" với người lạ.
Đạt tiết lộ thiết bị trên là hàng tự chế, giới trong "nghề" gọi là "súng". Thiết bị được gắn ngụy trang ở cần số xe. Mỗi lần bấm số tiền hiển thị trên đồng hồ sẽ tăng 3.000 đồng.
"Anh đừng thấy 3.000 đồng là ít nha, từ từ nó lên, muốn tiền triệu cũng có tiền triệu. Muốn bao nhiêu cũng được, nhưng đừng tham lam. Làm cái nghề này sống lâu dài nên mình cứ nhắm quãng đường đi, tiền đồng hồ zin khoảng 120.000 thì mình nhích thêm khoảng 80.000 đến 100.000 đồng. Kiếm thêm vậy thôi, đừng tham lam quá, đưa lên công an là mệt", Đạt nói.
Với người có ý định vào nghề tài xế taxi, Đạt bảo sau khi đăng ký lái taxi và nhận xe xong thì liên hệ với anh ta. Đạt sẽ là người lắp "hàng" cũng như hướng dẫn chi tiết đường đi nước bước. Đạt cho hay có nhiều tài xế taxi đã chọn việc gắn loại "hàng" trên để "kiếm thêm". "Không gắn chạy đâu được, chạy 1km có mười mấy ngàn sao chạy", Đạt phân bua.
Với người quen biết, Đạt báo giá mỗi thiết bị trên đã bao gồm công lắp đặt là 2 triệu đồng. Còn với "khách" mới, Đạt đẩy giá lên cao từ 3,2 - 3,5 triệu đồng, giá này dao động tùy thời điểm. Đạt cũng khẳng định thời gian lắp "hàng" cho mỗi xe chỉ vỏn vẹn từ 5 - 10 phút. Để tránh bị người khác để ý, Đạt yêu cầu tài xế đem xe đến nơi vắng người.
Đạt khẳng định taxi lắp "hàng" không có ai kiểm tra, cũng vì lẽ đó nên không ai biết được trò gian lận này (!?). Theo Đạt, từ trước đến nay chưa có tài xế taxi nào lắp "hàng" bị phát hiện. Ngay cả khách đi taxi cũng không thể phát hiện được.
Đạt chắc lời: "Mình có làm gì đâu mà phát hiện, mình cứ làm bình thường thôi, đừng có tham lam". Trường hợp khách có phát hiện thì Đạt bày cách xử lý "miễn phí" cuốc xe để dập tắt bức xúc của khách. "Bỏ cuốc xe, đừng lấy tiền của khách, nhiều cách xử lý mà...", Đạt bày vẽ.
Sau khi lắp "hàng", Đạt "bao xài" 10 ngày, nếu bị hỏng Đạt sẽ thay mới. Đạt bày thêm mánh khóe "chặt chém" khách: "Đi cuốc xa dễ bấm hơn, rồi anh cứ nhấp từ từ, anh chạy trên đường anh cứ nhắm khoảng 22.000 đồng/km là được. Đi lúc nào cũng phải mở định vị lên, để mình coi hành trình mình canh km mình bấm".
Ngoài "hàng" tự chế gắn trên cần số, Đạt còn có hàng mới là remote điều khiển từ xa giống như chìa khóa xe hơi.
"Tụi em trước giờ dùng "súng" gắn vô cần số, còn remote thì mới ra lò gần đây. Remote thì mắc hơn khoảng một triệu, khoảng bốn triệu hai, bốn triệu ba, tùy thời điểm nữa", Đạt khoe.
Vào tháng 4-2023, có thời điểm Đạt và Minh cùng đến đường ven kênh ở quận Gò Vấp để gắn thiết bị gian lận tiền cước đồng hồ cho một taxi. Cụ thể, Đạt lái taxi mã số tài 5156 mang "hàng" khá nhỏ gọn có ba dây điện gồm: một dây để nối với đồng hồ, một dây nối với nút bấm (còn gọi là "cò") và một dây nối với "chip". Vừa đến, Đạt mau chóng gỡ lớp da phủ trên cần số, chỉ sau ít phút, Đạt gắn xong các dây điện cũng như cố định "cò" trên cần số.
Tuy nhiên, lúc này đồng hồ bất ngờ tắt ngúm không thể hoạt động. Đạt gọi điện video cho Minh báo tình hình. Minh tỏ ra am hiểu và cao tay hơn Đạt trong việc lắp "hàng". Minh cho rằng sự cố trên là do mất nguồn. Chỉ lát sau, Minh đến tận nơi xử lý sự cố nhanh chóng. Chỉ cần bấm "cò", đồng hồ xe này tăng lên 3.000 đồng, nếu giữ im nút thì số tiền sẽ tăng vùn vụt theo ý muốn của tài xế.