Giống như thầy Sơn, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều thầy cô đang dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn để chăm sóc, giáo dục trẻ “đặc biệt”. Xuất thân từ gia đình có cha mẹ làm giáo viên, từ nhỏ, cô Lê Hoàng Ngọc Khánh đã yêu nghề giáo và chọn dạy trẻ khuyết tật như duyên nghiệp.
Thời điểm cô Khánh tốt nghiệp THPT, Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ thiếu giáo viên. Để bồi dưỡng nguồn nhân lực, trường tổ chức cho những người đăng ký dạy tham gia chương trình đào tạo 3 năm sư phạm và giáo dục đặc biệt tại Lái Thiêu, Bình Dương. Sau khóa đào tạo, cô Khánh được trao bằng cao đẳng sư phạm tiểu học và giảng dạy tại Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ.
21 năm cống hiến cho giáo dục trẻ đặc biệt, cô Khánh có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Một trong số đó là cô can thiệp thành công và giáo dục cho một học trò khiếm thính từ khi 3 tuổi. Hiện em dạy Tin học tại một trường THPT.
“Gia đình chồng từng khuyên tôi nên thay đổi nghề nghiệp nhưng vì đam mê tôi quyết tâm theo đuổi. Sau thời gian dài công tác, gia đình có cái nhìn khác và tôn trọng quyết định của tôi. Được người thân hiểu và ủng hộ, tôi càng có thêm động lực để gắn bó nghề, Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn theo con đường mình đang đi”, cô Khánh chia sẻ.
Giờ đây, cùng với giảng dạy trẻ câm điếc, cô Khánh còn dạy can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, Down… miễn phí ngoài giờ lên lớp. Theo kinh nghiệm, khi bắt đầu tiếp xúc với trẻ tự kỷ, cô thường đưa ra bài kiểm tra để đánh giá sự phát triển qua các khía cạnh như ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp, vận động tinh, thô… Qua kết quả thu được, cô xác định mức độ phát triển của trẻ ở độ tuổi nào, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên đặc điểm để tối ưu hóa sự tiến bộ.
“Mỗi trẻ là một cá thể độc lập nên giáo viên phải thiết lập kế hoạch giáo dục cá nhân hóa theo nhu cầu, đặc điểm từng em. Ví dụ, ở trẻ 4 tuổi, giáo viên thông qua can thiệp kịp thời và phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh giúp con phát triển thế mạnh riêng. Sau khoảng 1 - 2 năm, trẻ có thể theo lớp học bình thường. Tuổi trí tuệ của bé có thể tương đương với một đứa trẻ 6 tuổi vào lớp 1”, cô Khánh phân tích.
“Lúc mới đi làm, tôi không hình dung dạy trẻ khuyết tật thế nào. Sau 21 năm gắn bó với nghề, không chỉ yêu thích công việc mà bản thân còn đồng cảm với khó khăn, hạn chế của trẻ; chia sẻ, cảm thông với phụ huynh. Mong muốn lớn nhất của tôi là đem kiến thức, kinh nghiệm để giúp trẻ khuyết tật, sát cánh cùng gia đình các em trên hành trình học tập, phát triển”.
Cô Lê Hoàng Ngọc Khánh - giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ
Nói thêm về giáo dục đặc biệt, cô Khánh cho rằng, công việc có không ít áp lực. Nhiều khi cô chạnh lòng, thấy nghề quá vất vả, nhất là quản lý khối lớp 1, 2. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu đi học, thiếu kỹ năng cá nhân như tự đi vệ sinh, phục vụ... nên đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt của nhà giáo.
Giáo viên không chỉ giảng dạy còn kiêm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong trạng thái đặc biệt. Thế nhưng, khi thấy học sinh tiến bộ từng ngày với những điều nhỏ nhặt nhất giúp tan biến vất vả, giáo viên có thêm động lực làm việc.
Cô Khánh nhìn nhận, thực tế giáo dục trẻ đặc biệt phải đối mặt với nhiều rào cản. Đầu tiên là cộng đồng. Nhiều trường không tiếp nhận hoặc chưa đủ điều kiện chuyên môn để giảng dạy trẻ khuyết tật.
Cùng đó, phụ huynh chưa đủ kỹ năng, kiên nhẫn để hỗ trợ trẻ. Nhiều phụ huynh có xu hướng trông cậy vào giáo viên, nhà trường, trong khi thực tế, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, cha mẹ là người thực hiện những công việc quan trọng này.
“Đôi lúc thấy cha mẹ thiếu chăm lo trẻ, tôi “dọa” nếu gia đình không hợp tác, cô sẽ không nhận dạy. Thế nhưng, thâm tâm tôi không thể làm vậy, bởi nếu bị bỏ rơi các em sẽ đi về đâu? Tôi chỉ mong gia đình và bản thân nỗ lực hết sức để giáo dục trẻ đặc biệt tốt hơn.
Nhiều cha mẹ chưa hợp tác chặt chẽ trong giáo dục đặc biệt nên sự tiến bộ của trẻ chậm hơn kế hoạch đề ra. Nhưng điều đó không làm tôi ngại, từ chuyên môn, kinh nghiệm, tôi luôn hỗ trợ theo cách tốt nhất, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự phát triển cho các em”, cô Khánh bộc bạch.
Cũng như biết bao đồng nghiệp giáo dục đặc biệt khác, cô Khánh nhận thấy, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trước hết phải yêu nghề, mến trẻ. Công việc này cũng đòi hỏi sự quyết tâm, lòng kiên nhẫn, tình thương đặc biệt đối với những hạn chế, từ đó thầy cô có thêm quyết tâm đồng hành và giúp trẻ phát triển mỗi ngày.
“Kiến thức chuyên môn là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Song giữa lý thuyết và thực tế dạy trẻ khuyết tật khác nhau, đòi hỏi người thầy tự học hỏi và rút ra kinh nghiệm riêng trong công việc…”, cô Khánh tâm niệm.
Cũng theo cô Khánh, công việc của mình và đồng nghiệp ngày càng nhiều áp lực, khó khăn mới xuất hiện khi xã hội có xu hướng gia tăng các dạng tật và hạn chế của trẻ.
Điều này càng đặt ra thách thức lớn cho giáo viên, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, đầu tư công sức và thời gian vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, giáo viên cần liên tục cập nhật và nâng cao kỹ năng để đáp ứng sự đa dạng, phức tạp của học sinh.