Văn hóa

Lễ cúng ông Công ông Táo về Trời

Hà Thuỷ (t/h) 26/01/2024 06:39

(GDTĐ) - Lễ cúng ông Công ông Táo nhằm ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Mâm lễ có thể không cần phải bày biện cầu kỳ nhưng nhất thiết phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ.

le-cung-ong-cong-ong-tao.jpg

Thời điểm cúng ông Công ông Táo

Theo Lão giáo Trung Quốc, thần Táo quân bắt nguồn từ 3 vị thần là Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ.

Theo sự tích 2 ông 1 bà của người Việt, 3 vị thần này là hoá thân của thần Đất, thần Bếp núc và thần Nhà, gọi chung là Táo quân hay ông Táo.

Trong tâm thức của người Việt, ngoài việc là một vị thần cai quản, giám sát mọi hoạt động trong gia đình của gia chủ, Táo quân còn được xem là vị thần có thể giúp ngăn ma quỷ xâm phạm vào nhà, giữ cho gia đình được bình yên.

Do đó, việc thờ cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa cầu mong sự yên bình, ấm no, đủ đầy trong năm mới, sau đó là ý nghĩa thờ “thần Bếp” cai quản việc bếp núc trong gia đình.

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, gồm cả những điều tốt điều xấu và chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.

Từ niềm tin đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời luôn được tiến hành trọng thể.

Tính theo dương lịch 2024, ngày 23 tháng Chạp âm lịch sẽ rơi vào thứ sáu, nhằm ngày 02/02/2024 Dương lịch.

Theo truyền thống dân gian, thời gian cúng Táo Quân có thể bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (11 giờ đến 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời.

Giờ tốt để cúng ông Công ông Táo năm 2024 vào ngày 23 tháng Chạp gồm:

Mậu Tý (23h – 1h): Thanh Long

Kỷ Sửu (1h – 3h): Minh Đường;

Nhâm Thìn (7h – 9h): Kim Quỹ;

Quý Tỵ (9h – 11h): Bảo Quang;

Sau khi cúng ông Công ông Táo, đợi nhang tàn là gia chủ có thể dùng bếp nấu ăn lại bình thường.

le-ong-cong-ong-tao.jpg
Thả cá chép là nghi thức truyền thống tiễn ông Táo về Trời vào ngày 23 tháng Chạp.

Lễ cúng ông Công ông Táo

Lễ vật cúng ông Công ông Táo truyền thống có:

Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (hai cánh chuồn) để tượng trưng.

Tiền vàng.

Áo và đôi hia bằng giấy.

Cá chép tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công ông Táo. Có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường người miền Bắc sẽ dùng cá chép thật thả trong chậu nước với ngụ ý “cá chép hoá rồng” nhưng người Nam bộ hay dùng cá chép giấy hơn.

Màu sắc của mũ, áo và hia cúng ông Táo có thể thay đổi theo từng năm phụ thuộc vào ngũ hành. Năm hành Kim sẽ cúng mũ, áo, hia màu vàng. Năm hành Mộc sẽ cúng mũ, áo, hia màu trắng. Năm hành Thuỷ sẽ cúng mũ, áo, hia màu xanh. Năm hành Hoả sẽ cúng mũ, áo, hia màu đỏ. Năm hành Thổ sẽ cúng mũ, áo, hia màu đen.

Nhiều gia đình có trẻ con, người ta sẽ cúng Táo quân một con gà luộc. Con gà này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (gà mới lớn, gà choai choai) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ này lớn lên có nhiều nghị lực, thông minh và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Tuỳ theo gia cảnh, gia chủ sẽ bổ sung thêm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo với các lễ vật như: gạo, muối, rượu, thịt heo luộc, gà luộc hoặc quay, rau xào, hành muối, xôi gấc, giò heo, canh mọc, cá chép nướng, trái cây tươi, trà, rượu, trầu cau, tiền vàng, hoa lễ…

Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản đi khá nhiều, không bắt buộc phải nhiều món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hoá vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.

Nếu gia đình nào không có điều kiện thì có thể làm mâm cúng đơn giản 3 món canh, cơm, thức ăn mặn là được.

Nên đặt mâm cỗ cúng ông Táo ở ban thờ gia tiên hoặc ban thờ ông Táo riêng để bày tỏ lòng thành kính.

Sau khi cúng lễ, gia chủ hoá vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối…

Vào ngày cúng ông Công ông Táo, gia chủ nên:

Tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc, kín đáo và lịch sự trước khi cúng lễ để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với quan thần.

Nên đọc văn khấn với thái độ nghiêm túc, thành tâm, đọc to, rõ ràng, rành mạch.

Không nên cầu xin tài lộc, sung túc mà chỉ nên xin Táo báo cáo những việc tốt đẹp trong năm.

Không cúng sau 12 giờ ngày 23.

Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp.

Không thả cá chép từ trên cao xuống.

Tiễn ông Công ông Táo về trời là phong tục truyền thống của người Việt vào những ngày cuối năm. Đây là thời khắc quan trọng mà mọi người mong muôn ông Táo trình báo những vấn đề xảy ra trong năm qua và mong Ngọc Hoàng giúp đỡ để năm mới thuận lợi hơn năm cũ.

Bài liên quan
Người Hà Nội tất bật sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng
Từ sáng sớm 4/2 (14 tháng Giêng), tại các chợ nổi tiếng của Hà Nội tấp nập dòng người mua sắm đồ cúng cho ngày Rằm tháng Giêng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ cúng ông Công ông Táo về Trời